(HNM) - Nhân lực khoa học - công nghệ (KH-CN) thời gian qua đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH-CN đang đứng trước những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập
Sinh viên thực hành nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Bích Ngọc |
Thiếu hụt cán bộ KH-CN
GS Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH-CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia cho rằng, vấn đề chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực KH-CN không phải là vấn đề mới. Song cần nhìn lại hệ thống văn bản liên quan, các giải pháp phát triển nhân lực KH-CN đã đi vào cuộc sống thế nào, tác động đến hoạt động KH-CN và cộng đồng khoa học ra sao?
Theo TS Nguyễn Đình Minh, Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia, khi đánh giá năng lực KH-CN của một quốc gia, hai chỉ số được quan tâm, đó là nhân lực KH-CN quốc gia và nhân lực nghiên cứu - phát triển (NC-PT). Chỉ số nhân lực NC-PT được sử dụng chủ yếu khi so sánh, phân tích trình độ, năng lực KH-CN của các quốc gia, tổ chức KH-CN quốc tế và những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NC-PT gồm các cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ...
Dù nhân lực NC-PT của Việt Nam có tăng trong những năm qua, nhưng còn rất thấp so với các nước phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên dân số. Hiện ở nước ta có nguy cơ hẫng hụt đội ngũ làm KH-CN, dù số lượng cán bộ KH-CN có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ những năm vừa qua đều tăng. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, rồi nhiều cán bộ có chuyên môn sâu đã chuyển sang làm việc tại khu vực doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức thu nhập cao hơn. Không chỉ thiếu hụt đội ngũ kế cận, chuyên gia giỏi, các tổ chức KH-CN công lập hiện ít có cơ hội tuyển dụng được nguồn nhân lực trẻ, có trình độ khá, giỏi, chuyên tâm nghiên cứu khoa học để đào tạo, kế cận do mức thù lao, đãi ngộ chưa căn cứ theo trình độ chuyên môn.
Sớm đưa các chính sách vào cuộc sống
Ông Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH-CN) cho rằng, để tiếp tục phát triển nhân lực KH-CN, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, thực hiện những nội dung liên quan đến phát triển nhân lực KH-CN được nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KH-CN; xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng mạng chuyên gia người Việt ở nước ngoài”. Thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập; tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực; hình thành, phát triển các tổ chức KH-CN có tính liên vùng để tăng cường sự trao đổi, hợp tác giữa nhân lực KH-CN của các địa phương…
Còn theo TS Nguyễn Đình Minh, các chính sách nhân lực KH-CN có liên quan đến tiền lương, điều kiện hoạt động NC-PT, quản trị nhân sự NC-PT đang là những trở lực lớn, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, thách thức này. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản quy phạm pháp luật, sớm đưa chính sách, pháp luật về đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH-CN vào cuộc sống.
Đại diện Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, Viện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu, hạ tầng thông tin KH-CN, khu triển khai công nghệ đạt tiêu chuẩn tiên tiến ở Đông Nam Á đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ… Việc thu hút, sử dụng, đãi ngộ những cán bộ khoa học trẻ, tài năng, cán bộ có trình độ cao có vai trò quyết định. Một số chương trình đã được Viện triển khai có hiệu quả như chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ hoạt động KH-CN cấp cơ sở theo phương thức khoán cho các cán bộ biên chế trẻ, có thời gian tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ không quá 3 năm; cử nhân không quá 28 tuổi, 31 tuổi đối với thạc sĩ, 35 tuổi với tiến sĩ tính đến thời điểm làm kế hoạch. Các cán bộ trẻ chủ động thực hiện nhiệm vụ KH-CN của mình và kinh phí dành cho nội dung này khoảng 5-6 tỷ đồng/năm.
Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cần đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của việc thu hút trí thức Việt kiều, phục vụ cho việc phát triển kinh tế đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Việt kiều hướng về quê hương, đất nước; xây dựng chính sách, cơ chế, điều kiện để huy động các trí thức Việt kiều, các doanh nhân trí thức hợp tác với các cơ sở khoa học trong nước, nhằm giúp đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.