Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để “níu chân” du khách?

Trang Thu| 09/11/2012 06:04

(HNM) - Nức tiếng xa gần với nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống, nhưng đến khi nào Vạn Phúc mới thực sự trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn của Thủ đô? Tại hội nghị


Một mai có còn nghề truyền thống...?

Dù đã xuất hiện trong các tour du lịch và trở thành điểm đến không thể thiếu mỗi khi du khách đặt chân đến đất Thăng Long nghìn năm tuổi, nhưng về Vạn Phúc hôm nay, tiếng khung cửi lách cách của nghề dệt lụa truyền thống đã thưa dần. Bên bờ sông Nhuệ cũng khó gặp những dải lụa màu phấp phới trong nắng. Giờ đây, tìm được lụa Vạn Phúc chính hiệu khó như "mò kim đáy bể".


Du khách nước ngoài tham quan làng lụa Vạn Phúc.Ảnh: Trọng Hải

Tâm huyết với du lịch Thủ đô, ông Phùng Quang Thắng, Trưởng phòng Đầu tư và Phát triển (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) tỏ ra tiếc nuối, Vạn Phúc đô thị hóa quá nhanh, khung cảnh làng xưa chỉ còn lại trong ký ức, làng nghề đã trở thành phố nghề, xưởng sản xuất ít dần, các cửa hàng mọc lên san sát. Những bãi dâu, nong tằm cũng trở thành quá vãng một thời. "So với trước kia, sản phẩm dệt, lụa được bày bán đa dạng và phong phú hơn nhiều. Thật mừng nếu như đây là sản phẩm được làm từ bàn tay và khối óc của người thợ làng, nhưng thật lo vì không biết trong số những sản phẩm kia có bao nhiêu loại đến từ nơi khác? Hướng dẫn viên khó có đủ tự tin để nói những lời hay ý đẹp cho sản phẩm được bày bán ở đây khi mà không chắc chắn về nguồn gốc của chúng. Còn khách hàng chỉ biết tin vào đạo đức của người bán", ông Phùng Quang Thắng nhận định.

Chung quan điểm trên, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết thêm, làng nghề Việt Nam nói chung và làng lụa Vạn Phúc nói riêng hiện phát triển chưa xứng với tiềm năng. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng là thế nhưng nay đã bị lụa Trung Quốc lấn lướt. Tại các cửa hàng nơi đây không chỉ bày bán tràn lan lụa Trung Quốc mà còn cạnh tranh nhau về giá làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín cũng như hình ảnh làng nghề Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Từng nhiều lần đặt chân đến làng lụa Vạn Phúc, bà Stephanie, đại diện Hiệp hội Lụa quốc tế cho rằng, đối với du khách nước ngoài khi đến làng lụa Vạn Phúc, điều họ mong muốn nhất là tìm mua được những sản phẩm nguyên gốc, gắn với văn hóa tinh hoa của một làng nghề truyền thống mà không nơi nào trên thế giới có được. Tuy nhiên, các sản phẩm đang được bày bán ở đây chẳng khác nào những mặt hàng trên các con phố ở khu vực trung tâm của Hà Nội như Hàng Gai, Hàng Bông…

Tâm điểm du lịch làng nghề

Hà Nội đang tiến tới xây dựng làng lụa Vạn Phúc trở thành tâm điểm du lịch làng nghề. Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, Vạn Phúc cần có kế hoạch mở rộng hoạt động nghề dệt thay vì chỉ có vài ba gia đình làm để biểu diễn cho khách xem như hiện nay. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn cho các gia đình giữ gìn thương hiệu sản phẩm chung của làng. Đặc biệt là thành lập một bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm hàng dệt và có nơi cung cấp thông tin như website về mẫu mã hàng, xuất xứ và giá cả niêm yết.

Theo bà Stephanie, đại diện Hiệp hội Lụa quốc tế, chính quyền địa phương nên xây dựng những cửa hàng chỉ bán lụa Vạn Phúc hoặc phải niêm yết rõ đâu là lụa Vạn Phúc và đâu là lụa của nơi khác. Ngoài ra, hướng dẫn những người thợ không sử dụng phẩm màu độc hại, từ đó gây dựng lụa Vạn Phúc trở thành thương hiệu sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ mua sản phẩm mà còn có nhu cầu trải nghiệm cách thức sản xuất. Vì vậy, địa phương cần phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trải nghiệm cách thức sản xuất lụa truyền thống. Khi đó, du khách sẽ được tận mắt quan sát quá trình sản xuất của người thợ, được trực tiếp tham gia sinh hoạt văn hóa, thưởng thức đặc sản và làm thử một vài sản phẩm theo ý mình. Với họ, chuyến đi đó sẽ thành kỷ niệm khó quên trong đời.

Vạn Phúc có trở thành tâm điểm du lịch làng nghề của Thủ đô hay không, bên cạnh chính sách phát triển làng nghề hợp lý còn trông cậy vào những sản phẩm chất lượng cao và vào sự tâm huyết của những nghệ nhân làng lụa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để “níu chân” du khách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.