Lao động - Việc làm

Làm gì để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội?

Mai Hoa 22/05/2024 - 17:07

Thông qua chương trình khảo sát thực tế, tọa đàm, rất nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất với mong muốn cải thiện tỷ lệ lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân.

Ngày 22-5, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã hợp tác tổ chức chương trình khảo sát thực tế, tọa đàm tại các làng nghề của Hà Nội. Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng năm 2024.

Thao tác làm nghề khảm trai tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội). (ảnh: Duy Khánh
Thao tác làm nghề khảm trai tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội). (ảnh: Duy Khánh)

Phóng viên của hơn 20 cơ quan báo chí truyền thông đã tiếp xúc với các lao động làng nghề khảm trai và làm tăm hương tại 2 xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về cơ hội tiếp cận an sinh xã hội của người lao động tại một số hộ sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, tại Chuyên Mỹ - xã có nghề truyền thống, 7/7 thôn được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề, 100% người có nhu cầu lao động tại địa phương được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.

thao-tac-lam-chan-huong.jpg
Thao tác làm tăm hương, chân hương tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) - ảnh: Duy Khánh

Tại xã Quảng Phú Cầu nổi tiếng với việc làm tăm hương, tổng dân số của xã là 12.656 người, số người trong độ tuổi lao động là 7.379 người, thu nhập bình quân 72 triệu đồng/năm/lao động. Trong đó, hơn 75% thu nhập được tạo ra từ nghề sản xuất tăm hương và thu gom phế liệu. Tuy nhiên, số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng chưa cao, chỉ đạt 86 người.

Qua thực tiễn gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi giữa báo chí với các nhà quản lý, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động, nhiều ý kiến cho biết, lý do người lao động làng nghề chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là do chính sách này chưa đủ sức hấp dẫn, các thủ tục chưa thật sự thuận tiện, thu hút người lao động tự do; nhiều thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội chưa đến được với công nhân làng nghề; cơ chế, chính sách, chế độ dành cho bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa đồng bộ so với bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu nhập của người lao động làng nghề chưa ổn định để họ yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… Đặc biệt, nhận thức của người lao động làng nghề về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn giới hạn.

quang-canh-toa-dam.jpg
Quang cảnh tọa đàm (ảnh: Duy Khánh)

* Chiều cùng ngày, tại trụ sở UBND xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ chính quyền địa phương, gồm: PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội; ông Ngô Xuân Giang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu… đã cùng chia sẻ nhiều giải pháp để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội.

Trong đó, các đại biểu đặc biệt lưu ý nội dung khuyến khích lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, coi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, người có thu nhập thấp có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động.

ong-ta-viet-anh.jpg
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 trao đổi tại chương trình tọa đàm (ảnh: Duy Khánh)

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 nhấn mạnh: Để thu hút lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội, rất hy vọng trong lần bàn thảo của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ giữ được các điều khoản nhằm tạo điều kiện cho mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, bám sát 5 chính sách, bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; (2) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; (3) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); (4) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; (5) Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.