(HNM) - Kết cục bất ngờ của vụ việc “cậu bé đánh đàn” ở khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm
Người tham gia mạng xã hội cần cẩn trọng trước những thông tin chưa được kiểm chứng. Ảnh: Anh Tuấn |
Chị Nguyễn Kim Ngân (quận Cầu Giấy): Lắng nghe, tiếp thu với thiện chí
Dù đã chính thức nói lời xin lỗi, nhận sai vì nóng vội khi đưa thông tin, nhưng câu chuyện của mẹ cháu bé đánh đàn ở phố đi bộ đăng tải trên trang cá nhân đã để lại dư âm đáng tiếc. Chỉ vì “thương con mù quáng” mà chị đã có những lời lẽ nặng nề về những người thực thi công vụ khi chị chưa hề gặp mặt. Kéo theo đó là hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận không tích cực về công tác quản lý và giữ gìn an ninh trật tự, nét văn hóa văn minh tại khu vực phố đi bộ.
Kể từ khi khai trương không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người Thủ đô. Vậy trước tiên, chúng ta cần thực hiện đúng quy định tại nơi công cộng, biết lắng nghe, tiếp thu với thái độ thiện chí và tích cực, tránh không làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người khác. Vì khi đã “đổ tiếng xấu” cho người khác, thì dù có nói lời xin lỗi cũng sẽ là muộn màng.
Ông Nguyễn Quang Huy (chung cư Hateco Hoàng Mai, Hà Nội): Một nửa sự thật không là sự thật
Chỉ vì một status chưa có kiểm chứng của một bà mẹ khi cho rằng con trai mình bị đối xử bất công, ngay lập tức tạo nên “cơn bão” dư luận trên khắp các diễn đàn xã hội. Nhưng thực tế, chính cộng đồng mạng đã “góp gió thành bão”, tạo nên dư luận sai lệch về sự việc. Họ đã thiếu suy nghĩ khi chạy theo đám đông, thiếu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Nếu người mẹ không nhanh chóng lên tiếng, chắc sẽ còn những cơn bão dư luận rất xấu nữa.
Tôi nghĩ đây là “căn bệnh” lây lan đáng sợ. Trong một xã hội mà cộng đồng mạng ngày càng đông, “tiếng nói” ngày càng có trọng lượng, mỗi người cần có cái nhìn khách quan, chính xác khi tiếp cận thông tin đa chiều để nhận thức đúng về bản chất sự việc, tránh tình trạng bị mạng xã hội “dắt mũi”, bởi một nửa sự thật không phải là sự thật.
Luật sư Hoàng Ngọc - Trưởng Văn phòng luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự (số 91 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa): Đừng cảm tính, hãy bình luận trên cơ sở pháp luật
Sự việc mẹ của “cậu bé đánh đàn” đưa một bài viết lên mạng xã hội để phê phán lực lượng chức năng khi chưa nắm rõ quy định pháp luật và sau đó đã phải xin lỗi vì chưa kịp tìm hiểu kỹ thông tin đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc đưa thông tin lên mạng xã hội sai sự thật và thiếu hiểu biết pháp luật. Đã không thiếu trường hợp chỉ vì một “like” hoặc coi như một trò đùa vô hại mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng nằm ngoài cả “dự đoán” của người đăng bài. Từ việc đưa thông tin sai lệch về người bán hàng nước dùng nước rửa chân pha nước, ướp xác trẻ em lấy nội tạng, thậm chí đăng cả đề tài xuyên tạc về việc máy bay rơi… Hệ quả không chỉ là những người trong cuộc bị ảnh hưởng mà còn tạo dư luận hoang mang. Chúng ta có giật mình hay liên tưởng gì không khi hai người bán tăm đã bị “cả làng” đánh đến trọng thương vì cho rằng có hành vi bắt cóc trẻ em, hay cơ quan nhà nước phải điều tra, trần tình về việc không có máy bay rơi?
Ở đây, bà mẹ đã nhấn mạnh đối tượng về trẻ em, về việc biểu diễn nghệ thuật, về việc không thu tiền và dùng để thiện nguyện như muốn tìm sự đồng cảm của xã hội... Nhưng trên tất cả, họ đã quên điều quan trọng nhất là hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không?
Chị Nguyễn Minh Hạnh (CT12A, Kim Văn, Kim Lũ - quận Hoàng Mai): Trách nhiệm với hành động của chính mình
Chỉ cần một status mang tính công kích được đưa lên mạng xã hội là kéo theo hàng nghìn, hàng vạn “like” hoặc bình luận có tính cổ vũ, chửi mắng, chê trách... Những “anh hùng bàn phím” này hầu như không đọc kỹ nội dung của status mà nhấn “like” ngay lập tức hoặc nói a dua theo cách mà mình hiểu. Thậm chí, họ không hiểu chính xác điều mà người đăng status muốn gửi gắm, mà chỉ nói theo cách họ thích. Một số người khi chia sẻ status lại kèm theo bình luận, miêu tả một cách sinh động giống như họ là người trong cuộc, chứng kiến mọi việc. Giống như việc “cậu bé đánh đàn” trên phố đi bộ bị hỏi giấy phép biểu diễn vừa qua.
Trong số cư dân mạng, nhiều người thực sự quan tâm đến những vấn đề của xã hội, song cũng không ít người muốn “nấp vào đám đông” để “ném đá giấu tay”. Chỉ vì những thông tin thiếu kiểm chứng mà cơ quan chức năng đôi khi phải huy động nhiều lực lượng vào cuộc để điều tra, tiêu tốn bao tiền của... Vì thế, tôi cho rằng mỗi người cần có trách nhiệm với hành động của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.