Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để giữ ổn định thị trường vàng?

Đỗ Tâm| 16/07/2012 07:43

(HNM) - Ngày 3-4-2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24/CP) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (có hiệu lực từ ngày 25-5-2012). Ngay lập tức, các nội dung của nghị định đã khiến hoạt động kinh doanh, chế tác, lưu thông và sở hữu vàng, trong đó có vàng miếng, vốn hết sức nhạy cảm và liên quan đến nhiều người tiêu dùng trong xã hội


Giao dịch tại cửa hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trọng Hải

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 24/CP nhằm đáp ứng những yêu cầu khách quan của nền kinh tế, yêu cầu hội nhập và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng vốn rất phức tạp trong thời gian qua. Gần hai tháng sau khi có hiệu lực, Nghị định 24/CP được dư luận đánh giá là giải pháp tổng thể đối với thị trường vàng, có tầm ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến người dân. Thực hiện nghị định sẽ giúp tổ chức lại thị trường vàng theo hướng quản lý chặt chẽ vàng miếng, song vẫn tạo điều kiện cho phát triển sản xuất gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Theo Nghị định 24/CP, tất cả những giấy phép về sản xuất kinh doanh vàng miếng đã được cấp trước đó, đến thời điểm ngày 25-5 đều hết hiệu lực thi hành; các thương hiệu vàng cũ vẫn được lưu thông và mua bán bình thường theo giá thị trường, các loại vàng miếng hợp lệ vẫn lưu thông bình thường và giá cả do thị trường quyết định; các doanh nghiệp có giấy phép và đủ tiêu chuẩn kinh doanh mặt hàng này vẫn sẽ là những địa chỉ đủ uy tín, tin cậy để bảo đảm giao dịch.

Trước thời điểm Nghị định 24/CP ra đời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có miếng vàng riêng của mình. Trong khi đó, theo ước tính, trên thị trường có khoảng 22 triệu miếng vàng của 8 doanh nghiệp trong nước (trong đó, vàng miếng mang thương hiệu SJC - Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn, chiếm khoảng 95%). Bởi vậy, NHNN quyết định chọn thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước do đáp ứng được các tiêu chí về thương hiệu, uy tín, thị phần... đồng thời tránh được việc gây xáo trộn trên thị trường. Khi đó, trong quá trình lưu thông, nếu sản phẩm nào không đủ tiêu chuẩn giao dịch (cong, méo, xước...) sẽ cho phép gia công lại. Tuy nhiên việc này đã làm một bộ phận người dân nắm giữ vàng miếng nhãn hiệu khác (phi SJC) hoang mang. Nhiều người đã ồ ạt bán vàng phi SJC để chuyển sang mua vàng SJC hoặc giữ tiền mặt bất chấp việc này gặp nhiều bất lợi khi mua bán, trao đổi hoặc hoán đổi sang vàng miếng SJC khi các loại vàng miếng (cả SJC lẫn phi SJC) bị xước, móp, méo do bất cẩn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ. Trong khi giá thu mua của SJC là 42 triệu đồng/lượng thì các cửa hàng thu mua vàng móp, méo trả giá cao nhất khoảng 40 triệu đồng/lượng, thậm chí có nơi chỉ trả 38 triệu đồng/lượng vì xem đây như là vàng nguyên liệu chứ không còn là vàng miếng. Nếu chấp nhận bán, người dân đành phải mất từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/lượng. Do đó, NHNN đã khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có.

Trong một động thái tích cực, khẩn trương, ngay trong ngày Nghị định 24/CP có hiệu lực thi hành, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN quy định thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày Thông tư 16/2012 có hiệu lực thi hành (ngày 10-7-2012). Như vậy, các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có ít nhất 9 tháng rưỡi (kể từ khi Nghị định 24/CP được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua bán vàng miếng và có đủ thời gian để hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại nghị định. Nhu cầu mua bán vàng của người dân sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới các điểm kinh doanh mua bán vàng miếng của các doanh nghiệp mà còn cả các TCTD. NHNN đã chỉ đạo một số doanh nghiệp và TCTD tích cực triển khai hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên mạng lưới của mình. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán vàng miếng cao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tại hai thành phố này và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có các điểm giao dịch mua bán vàng miếng. Do vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm.

Được biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Cách chuyển đổi tương tự như đổi tiền, không giới hạn thời gian chuyển đổi và có tính toán để không gây xáo trộn thị trường và thiệt hại cho người dân. NHNN sẽ từng bước thu hồi vàng phi SJC để thay thế bằng vàng SJC thông qua việc mua lại với giá hợp lý (trên cơ sở giá vàng SJC), sau đó chuyển sang vàng SJC. Ủng hộ chủ trương này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, người tiêu dùng không nên vội vàng bán vàng phi SJC, vì khi NHNN đã có chủ trương, chuyển đổi, chắc chắn chi phí chuyển đổi vàng sẽ không lớn, không bị ép giá như giao dịch tại một số cửa hàng ngoài thị trường tự do như hiện nay.

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, hiện trong dân cư đang găm giữ khoảng 5.000 tấn vàng (cả vàng miếng lẫn vàng trang sức) và có nhu cầu giao dịch, lưu thông rất cao. Dù diễn biến thị trường vàng rất bất thường, có chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, song tích trữ vàng vẫn là một thực tế tồn tại lâu dài trong xã hội. Thế nên, để Nghị định 24/CP đạt được mục tiêu đề ra, việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước rất quan trọng. Không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia tài chính dự báo, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể sẽ "lách luật", cung cấp ra thị trường các sản phẩm vàng miếng "biến tướng" với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, việc mua bán vàng miếng chỉ tập trung tại một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép có thể cũng sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh thị trường "chợ đen" khó kiểm soát tại các địa phương vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để giữ ổn định thị trường vàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.