Các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt các quy định mới liên quan đến phát triển bền vững. Đồng thời, cần có chiến lược dài hạn, đầu tư bền vững vào phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn...
Đó là một trong những thông tin được các chuyên gia, nhà quản lý... đưa ra tại buổi tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh", do báo Người lao động tổ chức sáng 19-2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhận diện những thách thức
Chia sẻ qua hình thức trực tuyến, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách cho hay, hiện nay, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% GDP, phần lớn nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình phát triển truyền thống. Vì vậy, quá trình chuyển đổi xanh vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa chi phí và gia tăng năng suất lao động để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững.
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Nguyễn Chánh Phương nêu, ngành Gỗ đang đối mặt với không ít khó khăn. Cụ thể, phần lớn nguyên liệu gỗ được trồng theo quy mô lớn nhưng chưa tham gia sâu vào quản trị chuỗi cung ứng.
Mặt khác, hiện nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang khai thác các nguyên liệu tự nhiên khác như mây, tre, lá... Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm này lại gặp nhiều thách thức. Các vấn đề về quản trị nội bộ, thuế, hoàn thuế và quy trình chứng nhận nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn, tạo ra sự thiếu đồng nhất trong chuỗi cung ứng.
Còn Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Tùng, một trong những nguyên nhân chính là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Đinh Hồng Kỳ cho biết, một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó.
Chìa khóa để thành công
Để doanh nghiệp Việt thực sự tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi xanh, ông Phạm Minh Quang, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi và nắm bắt các quy định mới liên quan đến phát triển bền vững, không chỉ ở nước ngoài mà cả trong nước. Đồng thời, cần có chiến lược dài hạn, đầu tư bền vững vào phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, và xây dựng hệ thống quản lý nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.
Còn theo quan điểm của PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, cần có cơ chế tài chính phù hợp, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư vào công nghệ sạch, các dự án giảm rác thải và mở rộng thị trường carbon. Các chính sách quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp cần được thiết kế linh hoạt, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh theo hướng bền vững.
Về nguồn vốn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Đinh Hồng Kỳ nêu, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý... cũng đã đồng nhất đưa ra quan điểm rằng, chuyển đổi xanh là một xu thế không thể trì hoãn. Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong việc ban hành các chính sách cụ thể và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh hiện đại và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.