(HNM) - Với nhiều người, cứ thấy cơ thể mệt mỏi, không khỏe, sốt cao... là nghĩ ngay đến truyền dịch mà không lường hết những hiểm họa.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận không ít ca tử vong oan uổng do truyền dịch bừa bãi, không đúng chuyên môn. Dù vậy, với nhiều người, cứ thấy cơ thể mệt mỏi, không khỏe, sốt cao... là nghĩ ngay đến truyền dịch mà không lường hết những hiểm họa.
Không nên lạm dụng việc truyền dịch với người bệnh nếu không được thăm khám kỹ lưỡng. Ảnh: Hữu Tiệp |
Cứ muốn là... truyền
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo quy định của ngành Y tế, truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ và chỉ được truyền ở bệnh viện, cơ sở y tế đã qua thẩm định, được cấp phép.
Với các phòng khám thông thường, tuyệt đối không được thực hiện dịch vụ kỹ thuật truyền dịch. Chẳng hạn như Phòng khám chuyên khoa Nội (ở 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội) để xảy ra trường hợp bé trai Nguyễn Gia B. tử vong, có phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép, gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên môn. Phòng khám này thực hiện truyền dịch cho người bệnh là vi phạm. Ngoài ra, ngành Y tế cũng nghiêm cấm nhân viên y tế làm dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà, bởi truyền dịch có thể xảy ra tai biến, nếu không đủ trang thiết bị và nhân lực cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất lớn.
Thế nhưng, trên thực tế, không cần khám bệnh hay chỉ định, bất chấp cả quy định cấm của ngành Y tế, nhiều người dân cứ thấy cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt… là tìm đến dịch vụ truyền dịch. Điều này phổ biến đến mức, các dịch vụ truyền dịch tại nhà hiện ngày càng nở rộ. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “Dịch vụ truyền dịch tại nhà” lập tức có hàng chục nghìn kết quả. Phóng viên Báo Hànộimới đã thử gọi điện đến một số nơi và tất cả đều sẵn sàng đến tận nhà phục vụ mà không cần hỏi thêm bất cứ thông tin gì.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội), nhiều người suy nghĩ rất đơn giản, dịch truyền là chất bổ nên muốn bổ sung khi thấy mệt. Trong khi đó, các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, mang tính hai mặt, có rất nhiều tác dụng phụ và chỉ được dùng khi bác sĩ khám, kê đơn. Mối nguy hiểm hay gặp nhất trong truyền dịch là sốc và nhiều người đã tử vong do không được xử lý sốc kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, ở một số cơ sở y tế có tình trạng lạm dụng việc truyền dịch. Không ít trường hợp, nhân viên y tế chiều theo ý người bệnh, truyền dịch cho nhanh hồi phục sức khỏe. Mặt khác, để rút ngắn thời gian chữa bệnh, nhiều nhân viên y tế truyền dịch cho người bệnh, dù chưa thực sự cần thiết. Việc làm này gây nguy hiểm khi cơ thể người bệnh vẫn đang trong tình trạng sốt cao, bởi khi đó có thể gây ra hiện tượng sốc dịch truyền.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Hiện có hơn 20 loại dịch truyền được chia thành 3 nhóm cơ bản, gồm: Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể (glucose các loại và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin); nhóm cung cấp nước và các chất điện giải (dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...) và nhóm đặc biệt (huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử...) dùng trong trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không và truyền liều lượng bao nhiêu cần xét nghiệm máu và khám tim, phổi, đo mạch... Nếu một trong các chỉ số này thấp hơn bình thường cho phép, thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch phù hợp để bù đắp. Thậm chí, việc bổ sung không đúng các chất cần truyền cũng gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Chẳng hạn, người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều sẽ làm teo não... Trường hợp trẻ bị sốt do viêm phổi hay mệt vì bệnh tim thì phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền và sẽ gây ra tai biến. Còn với người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến mạch máu não…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, không nên lạm dụng và tùy tiện thực hiện truyền dịch. Truyền dịch chỉ áp dụng với bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Việc dùng loại dịch truyền nào phải tùy từng trường hợp cụ thể, liều lượng truyền phải cân nhắc cho từng người và có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca, nhưng vẫn phải thật cẩn trọng.
Trước sự việc xảy ra ở Long Biên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế ngoài công lập, nhất là tập trung kiểm tra việc tuân thủ thực hiện đúng phạm vi các danh mục kỹ thuật được cấp phép. Để bảo đảm an toàn, người dân không nên tự ý tìm đến những cơ sở không đủ điều kiện để truyền dịch, mà cần đến trạm y tế, bệnh viện, trung tâm y tế hoặc những cơ sở có đủ điều kiện, giấy phép...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.