(HNMCT) - Cuối tháng 8-2020, một bệnh nhân ở Hà Nội đã thiệt mạng do tự ý truyền dịch tại nhà khi mắc sốt xuất huyết. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng lạm dụng truyền dịch hiện nay. Theo các chuyên gia y tế, dịch truyền cũng là một loại thuốc, không phải “cứ muốn là truyền”.
Không màng hậu họa
Tại Hà Nội từng có những trường hợp tử vong sau khi tự ý truyền dịch. Tháng 4-2019, một nữ bệnh nhân sinh năm 1986 tử vong sau khi đến truyền dịch tại một phòng khám tư ở quận Thanh Xuân. Cách đó không lâu, một bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư nhân ở quận Long Biên. Và mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp nam giới 17 tuổi bị ngừng tim do sốc sau khi truyền dịch tại nhà.
Đó chỉ là 3 trong số nhiều trường hợp thiệt mạng do lạm dụng việc truyền dịch. Dù thảm kịch đã rõ nhưng rất nhiều người vẫn có thói quen cứ ốm, sốt hay mệt mỏi là yêu cầu dịch vụ truyền dịch tại nhà, không màng hậu quả xấu có thể xảy ra.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, rất nhiều người cho rằng khi bị sốt do vi rút thì phải truyền dịch mới mau khỏe. Đây là quan niệm sai. Sốt, mệt là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh. Việc tiêm, truyền cho bệnh nhân phải có chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, nhân viên y tế sẽ phải tính toán kỹ xem cần truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền như thế nào... chứ không thể truyền bừa bãi.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nguyên tắc là không được truyền muối, đường khi bị sốt vi rút vì những chất này vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng nguy cơ phù não khiến bệnh nặng thêm. Hơn nữa, tất cả các loại thuốc đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ và nguy cơ này càng gia tăng khi cơ thể hấp thu trực tiếp. Truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan... Do vậy, nếu bị sốt vi rút trong khi vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch.
Không thể tùy tiện
Theo các chuyên gia, khi truyền dịch cần phải lưu ý bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ - xảy ra tức thì hoặc trong/ngay sau khi tiêm.
Biểu hiện sốc phản vệ là bệnh nhân thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39oC - 40oC hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã... Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân gây sốc phản vệ có thể do dụng cụ tiêm truyền không bảo đảm vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh, hay đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm với thuốc. Dù nguyên nhân nào thì cũng phải lập tức ngừng tiêm, truyền và dùng thuốc cấp cứu khi bệnh nhân bị sốc phản vệ. “Sốc phản vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do vậy, mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc”, bác sĩ Lê Ngọc Duy nêu.
Đặc biệt, cần thận trọng khi truyền dịch cho bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não. Việc truyền dịch để hạ sốt đối với trẻ em cần được cân nhắc kỹ. Do vậy, trước khi truyền dịch, người bệnh phải khám, làm xét nghiệm, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh.
Để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn, mọi người nên duy trì nếp sống lành mạnh, thói quen làm việc, sinh hoạt nền nếp, luyện tập một cách khoa học, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, qua đó nâng cao sức đề kháng.
Chuyên gia khuyến cáo: Người dân nên uống nhiều nước, nhất là các loại nước trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, ổi...). Ngoài ra, nên súc miệng bằng nước muối pha loãng vài lần mỗi ngày để ngăn ngừa các loại vi rút và vi khuẩn; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, nơi tập trung đông người, đồng thời rửa tay sạch sẽ trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.