(HNM) - Bắt đầu từ ngày 30-4, Nghị định 16/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch chính thức có hiệu lực. Đây được xem như "đòn bẩy" góp phần làm trong sạch môi trường du lịch trong thời gian tới. Ngành du lịch Thủ đô sẽ sử dụng công cụ này thế nào là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Hànộimới với ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội.
- Kinh doanh du lịch trên địa bàn Thủ đô khá sôi động và những vi phạm quy định quản lý cũng rất đa dạng. Ông nhận định thế nào?
- Những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch trên địa bàn Hà Nội tồn tại ở nhiều dạng. Có những doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, khá nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa không thông báo với Sở VH, TT&DL Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật. Hay vi phạm trong niêm yết giá bằng ngoại tệ ở một số nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch...; sử dụng người lao động và người điều hành không đúng tiêu chí, không đúng thâm niên kinh nghiệm bắt buộc khá phổ biến. Thậm chí, có những vi phạm xảy ra tương đối nhiều ở các doanh nghiệp lữ hành như thay đổi địa điểm, mở thêm chi nhánh, thay đổi người điều hành… không thông báo với cơ quan chức năng. Bản thân doanh nghiệp cũng nhận thức được những sai phạm của mình nhưng họ cố tình “lờ” đi.
- Doanh nghiệp “lờ” được bởi công tác thanh, kiểm tra và xử lý chưa nghiêm hay còn vì lý do nào khác?
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phạt tới 40 triệu đồng
Bắt đầu từ ngày 30-4 tới, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng, thấp nhất là 500 nghìn đồng. Nghị định số 16/2012/NĐ-CP gồm 4 chương, 23 điều có quy định rõ về các hành vi vi phạm như: không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho du khách; thu phí dịch vụ không đúng quy định; hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề; sử dụng thẻ hướng dẫn viên giả; kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép; gắn sao cho cơ sở lưu trú không đúng với thứ hạng đã được công nhận; sử dụng tên cơ sở lưu trú, tên giao dịch, tên viết tắt không đúng với tên đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không mua bảo hiểm cho du khách Việt Nam ra nước ngoài… |
- Chúng tôi vẫn thường xuyên thanh tra định kỳ và đột xuất. Thời gian qua, nhiều sai phạm đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có tới hơn 1.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa và hơn 12.500 cơ sở lưu trú, trong khi đó, lực lượng thanh tra rất mỏng nên khó có thể bao quát hết. Thêm vào đó, hệ thống văn bản quản lý nhà nước còn một số bất cập, vì vậy hiệu quả hoạt động thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trước sự phát triển nhanh của ngành du lịch và của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
- Vậy nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính đã tăng mức phạt, thấp là thêm 30%, cao lên đến 100% so với mức cũ liệu có đủ răn đe các doanh nghiệp để họ tự giác chấp hành các quy định, bớt đi gánh nặng cho lực lượng thanh tra không, thưa ông?- Nghị định 16/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch chính thức có hiệu lực từ ngày 30-4 sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho công tác thanh tra. Đặc biệt, nghị định này đã đề cập cụ thể đến nhiều loại vi phạm của doanh nghiệp cũng như quy định cụ thể quyền hạn và chức năng của thanh tra Bộ và sở VH,TT&DL các địa phương. Nghị định cũng đã có mức chế tài phù hợp hơn để có thể đạt hiệu quả trong việc xử lý vi phạm, nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra. Sở VH, TT&DL Hà Nội đã tiến hành phổ biến các quy định trong nghị định mới này đến các doanh nghiệp lữ hành nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của bản thân doanh nghiệp.
- Nghị định có hiệu lực vào đúng thời điểm nhạy cảm - bắt đầu kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày, cũng có nghĩa là dịp hoạt động du lịch sôi động. Ông có thể “tiên lượng” liệu “liều thuốc” này sẽ có kết quả “điều trị” ngay hay không?
- Như tôi vừa trao đổi, những quy định mới trong việc xử lý vi phạm sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý nói chung, công tác thanh, kiểm tra nói riêng. Là cơ quan quản lý ngành, đương nhiên, chúng tôi có trách nhiệm phải triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý mà nâng mức xử phạt vi phạm hành chính là một trong số đó. Bắt đầu từ cuối tháng 4 này, Hà Nội sẽ kiên quyết lập lại trật tự trong kinh doanh du lịch nhằm tạo môi trường du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, thanh lịch hơn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngay trong dịp 30-4 và 1-5, hoạt động kinh doanh du lịch sẽ đi ngay vào nền nếp và sẽ không còn những vi phạm. Để đạt điều mà ngành cũng như xã hội mong muốn cần phải có lộ trình và thời gian nhất định.
- Mong muốn chung là Hà Nội sẽ có một môi trường du lịch sạch, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Như vậy, hoạt động thanh, kiểm tra tới đây sẽ phải “mạnh tay” vào những “điểm nóng” nào, thưa ông?- Thanh tra Sở VH, TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra tập trung, định kỳ và đột xuất đối với các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh vận chuyển hành khách, kinh doanh lưu trú… Đặc biệt tập trung mạnh vào vấn đề giá dịch vụ, niêm yết giá dịch vụ và giải quyết nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế cũng được ưu tiên hàng đầu trong đợt thanh tra này.
- Xin cảm ơn ông!