(HNM) - Tôi vẫn nhớ câu nói của một người bạn đang làm việc tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội: "Đến với đảo Đài Loan bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận rõ hơn cuộc sống tươi đẹp của một cô dâu Việt".
Và tôi nhớ cả điều mà vị chỉ huy cảnh sát ở Trung tâm Di dân khẩn cấp của đảo Đài Loan đặt tại Yilan, nơi giam giữ những người nhập cư bất hợp pháp, muốn truyền tải rằng, nếu một ai đó muốn lấy chồng xứ Đài, hãy suy nghĩ thật kỹ, bởi thực tế không hề đơn giản. Những điều ấy làm tôi nghĩ mãi, để rồi khi được tới hòn đảo này, tiếp xúc với nhiều cô dâu Việt, tôi mới hiểu ra nhiều điều.
Ảo vọng
Thành phố Yilan cách Đài Bắc chừng 1 giờ xe chạy. Khác với cái ồn ào, náo nhiệt ở Đài Bắc, Yilan tĩnh lặng, mang hơi hướng của khu du lịch sinh thái: Lưng tựa vào núi, rừng, trước mặt là biển. Trại Yilan, nơi giam giữ những người vi phạm Luật Di trú ở đảo Đài Loan, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Nếu như không có những hàng rào thép gai lởm chởm trên những bờ tường cao cùng với bốt gác thì ít ai nghĩ, nơi đây là trại giữ những người vi phạm Luật Di trú đang chờ làm thủ tục về nước.
Chị Nguyễn Thị Hồng đang kể về cuộc sống làm dâu ở Đài Loan. |
Tranh thủ thời gian thăm một người lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài vừa bị đưa về đây, tôi nói chuyện với Tsoi, viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra đồ dùng của mọi người gửi cho người trong trại. Khá cởi mở, Tsoi bảo, hiện tại, trung tâm di dân khẩn cấp này đang giữ hơn 100 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như Thailand, Indonesia, Philippines, Việt Nam… Anh kể, hai năm trở lại đây, tình hình ở đảo Đài Loan phức tạp, người lao động sống bất hợp pháp nhiều, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an ninh, gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, chính quyền sở tại đã và đang siết chặt quản lý lĩnh vực này, chính vì vậy mà số người ra, vào đây liên tục, nhân viên làm việc rất vất vả. Người Việt Nam bị giữ, đa số là lao động nam hết hạn vi sa bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp; nữ chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng lại rất khó giải quyết. Nhiều người trong số họ lấy chồng Đài Loan. Quyết định lấy chồng Đài là một thử thách lớn. Một số người lấy chồng, sinh con, có giấy tờ hợp pháp, sống không hạnh phúc nên ly dị, bỏ ra ngoài kiếm sống. Họ làm việc trong các quán ăn, mát xa, karaoke…
Khi chia tay, Tsoi siết chặt tay tôi và nhắc mãi: Các bạn trẻ, khi quyết định lấy chồng hãy suy nghĩ thật kỹ. Cuộc sống bên này không phải là "màu hồng". Phong tục khác, tập quán khác, con người, tiếng nói cũng khác, sẽ có nhiều thử thách".
Tâm sự của những cô dâu Việt
Đến thành phố cảng biển Cao Hùng, phía Nam đảo Đài Loan, tôi gặp Nguyễn Thị Hồng, 26 tuổi, quê ở Trảng Bàng, Gò Dầu, Tây Ninh, đang đứng bếp cho một quán ăn. Hồng lấy chồng ở xứ Đài đã được 7 năm và đã nhập tịch sở tại. Hồng kể, cô là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em. Kinh tế gia đình khó khăn, đang học lớp 12, qua mai mối, Hồng quyết định sang đất Đài xây dựng gia đình. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", sống với nhau được 6 tháng, thì chồng Hồng qua đời trong một tai nạn ô tô. Kể từ đó, gia đình nhà chồng xa lánh, một mình Hồng, phải tự xoay sở với cái thai 5 tháng trong bụng. "Hồi đó cực lắm. Ra đường gặp ai em cũng sợ. Không biết ai tốt, ai xấu. Tiếng không biết, nhiều khi đi khám thai bị lạc cả quãng đường dài. Rồi ăn uống, chợ búa… Nói chung là phải tự xoay sở. Cũng may, một thời gian sau đó, em được Hội Phụ nữ Việt Nam tại đảo Đài Loan, Hội Phụ nữ sở tại và cộng đồng người Việt ở gần hỗ trợ, giúp đỡ sinh nở mẹ tròn, con vuông. Sau này, khi bé con cứng cáp, em được giới thiệu đi làm, học tiếng. Cuộc sống dần cũng ổn định".
- Hồng có dự định về Việt Nam không?
- Có chứ! Đó là mong muốn thường trực của em. Cho dù bây giờ em nhập tịch xứ Đài rồi, nhưng em vẫn là người Việt. Về quê mình còn có tình làng, nghĩa xóm, được sống với những người thân, ruột thịt. Thằng bé con nhà em, dù sống ở đất khách nhưng cháu nói tiếng Việt rất sõi. 7 năm qua, cháu theo mẹ về Việt Nam được 3 lần. Thằng bé thích quê nhà lắm, cứ đòi về với ngoại. Nhưng cháu còn học, với lại, ở bên này kiếm tiền dễ hơn. Em làm ngày 8 - 10 tiếng, một tháng quy ra tiền Việt cũng được gần 20 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt của hai mẹ con, cũng để ra được chút ít. Em định có lưng vốn rồi sẽ về quê mở cửa hàng buôn bán.
Chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở Đồng Nai, thuộc lứa cô dâu đầu tiên sang đất Đài, đến nay cũng được khoảng 12 năm. Qua mai mối, Nhung về Đài Trung làm dâu lúc hơn 20 tuổi. Gia đình nhà chồng mở quán ăn, Nhung phụ việc ở quán. Làm hàng ăn bận tối mặt tối mũi, cả ngày không lúc nào rảnh. Chồng Nhung có tính hay ghen, đi nhậu tối ngày, nghe bạn bè khích bác: "Vợ mày đẹp thế rồi cũng bỏ đi thôi" nên về là tra khảo, đánh đập vợ. Sống với nhau 6 năm, có 3 mặt con rồi mà tính chồng Nhung vẫn chẳng thay đổi. Tỉnh thì không sao, cứ rượu vào là lại đánh vợ. Nhiều lúc đau quá, Nhung vớ con dao và hét lên: "Mày mà xông vào, tao và mày cùng chết". Lúc ấy, trận đòn mới dừng lại.
"Giờ thì cuộc sống của em ổn rồi - Nhung nói tiếp - Hơn 6 năm chung sống, em quyết định ly dị. Ly dị hơn một năm thì chồng em chết vì bệnh gan. Sau này, gia đình nhà chồng mở quán ăn trên Đài Bắc và kéo em về đó làm. Lo cho 3 đứa nhỏ ăn học, em cũng có công việc làm, thu nhập ổn định. Thỉnh thoảng, nhớ về thời kỳ đầu lại thấy ớn lạnh".
Vẫn nở hoa những mối tình Việt - Đài
Cách xa thành phố Đài Bắc ồn ào khoảng 150km, nằm bên sườn núi, gần với những cánh rừng miền Trung tĩnh lặng, căn nhà của vợ chồng Bùi Thị Thủy (Kiến Thụy, Hải Phòng) - Trần Trấn Luân tại Nanzhuang luôn rộn rã tiếng cười. Nơi đây thường tập trung những cặp vợ chồng Việt - Đài đến giao lưu.
Thủy bảo, lấy chồng đã hơn 8 năm nhưng rất hiếm khi hai vợ chồng to tiếng. Anh Luân là người hiền lành. Anh làm về trang trí nội thất, tính cẩn thận nên đông khách. Nhiều lúc cả hai vợ chồng cùng tất bật mà vẫn không hết việc. Lấy nhau, hai vợ chồng ngày một hiểu nhau. Anh dạy chị tiếng, rồi dạy nấu ăn cho hợp với người Đài. Được cái, gia đình nhà chồng quý cô con dâu Việt. Thấy hai vợ chồng bận, bố chồng chị Thủy bỏ thói quen đánh bài mà ở nhà trông hai cháu nội.
Đang nói chuyện thì nhà Thủy có khách. Đó là chị gái Thủy cùng người chồng Đài Loan tên Long và con gái 6 tháng tuổi và cặp vợ chồng hàng xóm Mười - San.
Thủy bảo, chị Mười, quê Quảng Nam, sang đây làm ở trại dưỡng lão, quen và yêu anh người Đài này. Chị Mười nhiều tuổi nhất trong bọn, 37 tuổi, nhưng cặp ấy mới lấy nhau, vẫn được coi là đôi vợ chồng son.
Đêm, bên chén rượu Kaoliang, khi ngà ngà rồi, anh Long cao hứng "đổ" liền mấy bài hát tiếng Trung. Ghé sát tai tôi, anh Long bảo, tôi vui lắm kể từ khi có gia đình, nhất là lúc được làm bố. 46 tuổi rồi, mải làm ăn, tôi không có thời gian để tìm bạn gái. Cảm ơn người vợ Việt Nam của tôi.
Tôi hiểu Long. Chắc chắn nếu tình cảm ấy được nhân rộng thì những mối tình Việt - Đài sẽ ngày một đơm hoa, kết trái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.