(HNM) - Không phải đến tận bây giờ, cụm từ này mới được các nhà hoạch định chính sách nhắc đến. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, muốn phát triển dựa trên nền tảng tri thức, trong đó coi khoa học, công nghệ là quốc sách, sẽ khó phát triển bền vững nếu như quốc gia đó không nắm bắt được công nghệ nguồn.
Hiện nay ở nhiều lĩnh vực chúng ta mới chỉ tham gia vào các khâu như gia công, lắp ráp. Ảnh: Nguyễn Huy |
Hiện có tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam để sản xuất sản phẩm. Nhưng lao động trong nước chỉ tham gia vào các khâu như gia công, lắp ráp hay kiểm định, bo mạch, đóng gói và xuất khẩu (như Intel, Samsung...); người lao động không làm chủ được công nghệ. Thấy rõ nhất là ngành công nghiệp ô tô đã được mở cửa liên doanh liên kết hơn 20 năm nhưng đến nay, tỷ lệ nội địa hóa chưa đến 10%. Việt Nam không có cơ sở chế tạo động cơ ô tô, thậm chí là những linh kiện đơn giản cũng phải nhập ngoại.
Tại hội nghị quốc tế chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, Giáo sư Henri Dou, Giám đốc Tổ chức Đổi mới tình báo chiến lược Atelis (ĐH Kinh doanh và Quản lý - Pháp) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng trấn an rằng, không nên quá lo lắng bởi phần lớn các nước đang phát triển đều trải qua giai đoạn này. Ví dụ, từ những năm 60-80 thế kỷ trước, Hàn Quốc cũng phải mô phỏng công nghệ của nước ngoài để mở rộng các ngành công nghiệp nhẹ, phát triển các ngành thay thế nhập khẩu. Nhưng đến nay, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc đứng thứ 10 thế giới bởi họ đã biết tận dụng những cơ hội hợp tác đó để nắm bắt những công nghệ hiện đại nhất.
Giáo sư Henri Dou cho biết thêm, với xu hướng thế giới phẳng, hiện không có khái niệm công nghệ thuộc về quốc gia, trừ những loại liên quan đến an ninh quốc phòng, mà bản quyền thuộc về các công ty. Với doanh nghiệp, mục tiêu lợi nhuận được xem như yếu tố hàng đầu khi họ quyết định đầu tư. Vì thế, không có lý do gì để giữ độc quyền công nghệ hiện đại nhất cho nước mình và áp dụng công nghệ lạc hậu ở nước khác. Động cơ duy nhất để doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao hay thấp là nó có mang lại lợi nhuận cao nhất trong hoàn cảnh cụ thể hay không. Do đó, không khó để tiếp cận với những công nghệ cao nếu như chúng ta đáp ứng được các yêu cầu mà đối tác đưa ra.
Tuy nhiên, để làm chủ được công nghệ hiện đại nhất đòi hỏi quốc gia tiếp nhận phải đáp ứng những yêu cầu nào? Có một cách làm chủ công nghệ nguồn đã được áp dụng khá thành công tại Nhật Bản, Hàn Quốc là "giải mã công nghệ". Họ đã bắt đầu bằng việc thu thập công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng, từng bước nâng cao và kết hợp với nền khoa học kỹ thuật trong nước. Từ sản xuất, lắp ráp, từng bước phát triển qua tiến trình cải cách, canh tân và phát triển nền công nghệ kỹ thuật cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, ươm tạo doanh nghiệp, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao là một cách tiếp cận công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Thông qua các doanh nghiệp này, công nghệ cao của nước ngoài được nhập về, sau khi nắm vững quy trình, sẽ được nghiên cứu giải mã, từ đó Việt hóa và sáng tạo công nghệ "Made in Vietnam". Hiện nay, đã có các doanh nghiệp công nghệ cao như Bkav Tosy, Naicorp... rất thành công với mô hình này. Tuy nhiên, những điển hình này vẫn còn quá ít so với nhu cầu phát triển của đất nước.
Để nắm giữ được công nghệ nguồn, doanh nghiệp rất cần vai trò đỡ đầu của Nhà nước trong việc hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp công nghệ; tạo mối liên kết để thu hút chất xám từ các viện nghiên cứu, trường ĐH thành lực lượng hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp; có chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn ngân hàng cho những doanh nghiệp mới sở hữu công nghệ cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.