(HNM) - Chăm sóc động vật hoang dã là công việc không đơn giản, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội phải có năng lực và chuyên môn nghiệp vụ tốt. Coi các loài động vật hoang dã như bạn, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm đã không quản ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những người làm nghề chăm sóc động vật hoang dã luôn đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng... Đây là nghề nguy hiểm, vất vả song nhiều người vẫn say mê với công việc này vì tình yêu, trách nhiệm với động vật hoang dã. Khi gắn bó, những con vật đáng thương này còn thân thiết với người chăm sóc như bạn bè…
Bên cạnh niềm vui được hưởng không khí trong lành giữa thiên nhiên, cây cỏ, muông thú... công việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã rất nhọc nhằn, nguy hiểm, phải làm thâu đêm, suốt sáng. Chỉ sơ sẩy chút thôi, rắn hổ mang chúa có thể cắn chết người; hổ, báo gấm có thể dùng nanh vuốt sắc nhọn tát vào người chăm sóc hay bác sĩ thú y. Chưa kể, mùi hôi tanh, mùi khét lẹt của các con thú hoang luôn ám vào người, theo tận cả vào từng bữa ăn, giấc ngủ…
Theo các nhân viên chăm sóc động vật hoang dã ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, những loài động vật hoang dã từng quen sống trong rừng, việc nắm bắt tập tính, môi trường sống, đặc thù của từng loài động vật đóng vai trò quan trọng khi xây dựng phương pháp chăm sóc, nuôi nhốt. Mỗi loài có cách chăm sóc riêng, thậm chí có con phải cho uống sữa vì hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa thể ăn lá cây hoặc các loại thức ăn khác. Ngoài chế độ dinh dưỡng được tính toán tỉ mỉ, việc vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho chúng cũng được thực hiện cẩn thận, từ thức ăn, nước uống đến việc tắm rửa, theo dõi tình hình bệnh tật…
Trong số những nhân viên kỹ thuật, công nhân làm nghề chăm sóc động vật hoang dã ở trung tâm, nguy hiểm nhất là những người hằng ngày cho ăn, tắm, chữa bệnh cho các loài ăn thịt (hổ, báo…). Có những thời điểm, chúng dữ hơn và dễ gây tai nạn cho người chăm sóc. Anh Phạm Thế Vinh - nhân viên chăm sóc khu chuồng hổ của trung tâm cho hay, chỉ cần lạ hơi người, những con hổ sẽ gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng như muốn tấn công. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là việc chữa trị, theo dõi tình hình sức khỏe của chúng. Khi một con hổ bị bệnh, chúng dễ bị kích động, việc tiếp cận nó rất khó khăn, nguy hiểm. Chỉ những người gan dạ, có kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc thú dữ mới dám tiếp xúc. Mọi động tác như dồn các con thú vào cũi nhốt, dùng dụng cụ tiêm thuốc phải thao tác thật nhanh và luôn có người giữ cũi an toàn, chắc chắn…
Với diện tích không lớn, nằm trên địa bàn xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội nhiều năm qua luôn làm tốt công tác bảo tồn, chăm sóc, chữa bệnh… cho động vật quý hiếm của Thủ đô và khu vực phía Bắc. Do lượng động vật lớn nên đội ngũ nhân viên kỹ thuật, chăm sóc thú tại đây lúc nào cũng có hơn 20 người trực nhằm bảo đảm công tác chăm sóc, duy trì giống… Số động vật hoang dã đang cứu hộ, bảo tồn, chăm sóc tại trung tâm là 404 cá thể và 9,5kg rắn các loại, trong đó có hàng chục loài quý hiếm như: Gấu ngựa, khỉ đuôi dài, vượn đen má trắng… Ngoài ra, ở đây còn có hàng chục loài chim, bò sát với đủ chủng loại, nguồn gốc khác nhau…
Mặc dù còn khó khăn về mặt bằng, cơ sở vật chất nhưng trung tâm cố gắng bố trí, sắp xếp các chuồng thú gần giống môi trường sống thiên nhiên để phù hợp với từng loài. Nhiều loài như: Gấu đen, hổ… được đưa về đây đã sinh sản thành công. Quá trình từ nuôi dưỡng đến khi phát hiện cá thể động vật hoang dã mang thai là một kỳ công với đội ngũ nhân viên kỹ thuật, công nhân trực tiếp chăm sóc. Các động vật đều được gắn chíp theo dõi và giám sát
tình hình sức khỏe thường xuyên. Nhiều loài khi về Trung tâm là tang vật của các vụ án buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên cả nước, nhưng khi được chăm sóc cẩn thận đã phát triển tốt không thua gì khi ở môi trường tự nhiên.
Theo Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Khoa học, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh, nhờ lòng yêu nghề mà những người chăm sóc thú đã vượt qua được nguy hiểm. Những con vật nuôi dù ít nhiều đã được thuần hóa nhưng vẫn chưa thể quên bản năng hoang dã. Việc chăm sóc, bảo tồn đều được giám sát, thực hiện chặt chẽ để chúng vừa sống tốt ở đây, vừa không quên bản năng vốn có để chúng sớm thích nghi khi được trả về môi trường tự nhiên… Nhờ vậy, thời gian qua, trung tâm đã thuần dưỡng và nhân giống thành công nhiều loài thú quý như: Hổ, gấu đen và loài chim khác…
“Từ đầu năm tới nay, trung tâm đã nhập đàn sinh sản cho 7 cá thể chim công. So với cùng kỳ năm 2018, công tác nhập đàn nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã 6 tháng đầu năm 2019 tăng 100% lượng cá thể. Chúng tôi hy vọng khuôn viên của trung tâm sớm được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan, phục vụ trưng bày, giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu động vật hoang dã...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.