Lái xe sử dụng đồ uống có cồn ở Thái Lan sẽ phải đối mặt với việc bị trừ 35 điểm trên giấy phép lái xe, đồng thời bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc phạt tiền lên đến 300.000 baht (9.300 USD).
Đường phố Thái Lan. (Nguồn: confused.com) |
Ngày 7-5, Bộ Giao thông Thái Lan cho biết, bộ luật giao thông mới của nước này sẽ xây dựng các chế tài rất nghiêm khắc theo mô hình của Nhật Bản.
Phó Thư ký thường trực Bộ Giao thông Thái Lan Chirute Visalachitra tuyên bố, cơ quan này đang hợp tác với Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) về vấn đề trên.
MLIT đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về thành công của mình trong việc sử dụng hệ thống trừ điểm giấy phép lái xe để cải thiện ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của tài xế tại Nhật Bản.
Hệ thống trên sẽ được đưa vào dự luật giao thông đường bộ mới của Thái Lan. Đó sẽ là đạo luật kết hợp Luật Ô tô 1979 với Luật Giao thông đường bộ 1979 và đang ở giai đoạn soạn thảo cuối cùng.
Tuy nhiên, ông Chirute không đề cập thời điểm hệ thống trừ điểm trên sẽ có hiệu lực bởi việc này cần có sự liên kết giữa các cơ sở dữ liệu của nhiều cơ quan liên quan.
Trong dự luật trên, lỗi không dừng đèn đỏ sẽ bị trừ hai điểm và bị phạt tiền từ 1.800-3.200 baht (từ 56-100 USD); lỗi không dừng hoặc dừng chậm để nhường đường người đi bộ sang đường sẽ bị phạt tiền lên đến 4.000 baht (125 USD); thời gian tạm thu hồi giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ lên đến 180 ngày nếu bị trừ hơn 6 điểm trong mỗi khoảng thời gian 3 tháng.
Đặc biệt, lái xe sử dụng đồ uống có cồn sẽ phải đối mặt với việc bị trừ 35 điểm trên giấy phép lái xe, đồng thời bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc phạt tiền lên đến 300.000 baht (9.300 USD), ngoài ra còn bị tạm giữ giấy phép lái xe trong 5 năm.
Hành khách và chủ phương tiện (nếu không điều khiển phương tiện) liên quan đến các cáo buộc về sử dụng rượu, bia khi lái xe cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Từ năm 2015 đến nay, với những chế tài nghiêm khắc và các biện pháp tuyên truyền tích cực, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ ở Thái Lan đã được cải thiện đáng kể.
Đây là mô hình mà các nước trong khu vực có hoàn cảnh tương tự có thể nghiên cứu và áp dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.