(HNM) - Không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập khiến cho nhiều người thu nhập thấp không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để mua nhà ở xã hội, mặc dù nhiều ngân hàng lớn công bố chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
Trong số 30.000 tỷ đồng mà Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) dành hỗ trợ chương trình nhà ở xã hội theo thỏa thuận ký kết với Bộ Xây dựng, có tới 19.500 tỷ đồng (chiếm 65% gói tín dụng này) dành cho người mua nhà. Cụ thể, đối tượng mà BIDV xem xét cấp tín dụng là người được mua nhà xã hội; người thu nhập thấp, trung bình không đủ điều kiện được giải quyết nhà ở xã hội nhưng có nhu cầu về nhà ở hoặc có nhà ở nhưng đã xuống cấp hư hỏng; người thu nhập thấp có diện tích nhà bình quân dưới 8m2/người… Những đối tượng trên sẽ được BIDV cho vay tối đa 85% giá trị căn hộ được mua, với lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất bình quân 10% và có thể thấp hơn trong trường hợp Nhà nước có cơ chế hỗ trợ. Thời gian cho vay tối đa 15 năm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN dự kiến kéo lãi suất tín dụng cho người mua nhà xuống mức 6%/năm, thời hạn cho vay trên 10 năm. Những điều khoản hướng dẫn cụ thể đang được NHNN soạn thảo, ban hành trong nay mai.
Người thu nhập thấp rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Lê Tuấn |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng hiện nay, việc công bố các gói tín dụng ưu đãi nhằm tới đối tượng mua nhà xã hội, đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở được coi là một mũi tên trúng nhiều đích. Trước hết, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội, hướng thị trường BĐS đến nhu cầu thực. Từ đó, tiêu thụ lượng hàng tồn, khơi thông đầu ra cho thị trường BĐS vốn "đóng băng" nhiều tháng qua, gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo kích cầu cho thị trường. Khi thị trường "ấm" lại, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng tồn, các ngành liên quan như ngân hàng sẽ gỡ được nỗi ám ảnh nợ xấu, doanh nghiệp vật liệu đẩy mạnh sản xuất, người lao động sẽ có việc làm…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết, còn thực tế, nhiều người vẫn băn khoăn khi tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng. Bởi bài học rất lớn thời gian qua cũng được rút ra từ chính sách lãi suất. Mặc dù mức lãi suất đưa ra khá hấp dẫn, thậm chí có thể kéo về mức 6%/năm, nhưng chưa có thông tin nào khẳng định mức lãi suất thấp này được giữ ổn định trong thời gian dài. Giả định, ngân hàng áp dụng chính sách thả nổi lãi suất, tức là điều chỉnh 3 tháng một lần theo thị trường thì rủi ro vẫn rất cao cho người vay mua nhà. Thực tế, thời gian qua, nhiều người khi vay ngân hàng với lãi suất chỉ 10-12%/năm nhưng khi lạm phát, tài chính thắt chặt, thanh khoản giảm, áp lực nợ xấu… lãi suất liên tục điều chỉnh tăng, lên tới 24-26%/năm và khi điều chỉnh xuống thì rất chậm. Thậm chí có ngân hàng còn đề nghị với khách hàng "chốt" lãi suất cao trong thời gian dài, thậm chí đến hết kỳ hạn khoản vay. Như vậy, bên cạnh lãi suất, vấn đề quan trọng là sự ổn định của nền kinh tế nói chung, chính sách tài chính nói riêng của Nhà nước và một cam kết giữ chính sách ưu đãi trong thời gian hợp lý.
Trở ngại nữa với người mua nhà xã hội, người thu nhập thấp là không có tài sản thế chấp. Hiện nay, một trong những điều kiện để được vay là phải có tài sản bảo đảm. Các ngân hàng không dùng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp sau những "đổ bể" của thị trường BĐS thời gian qua. Trong khi đó, những người được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đều là người thu nhập thấp, không có nhà ở, phải đi thuê nhà thì làm sao có được tài sản bảo đảm thế chấp ngân hàng. Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc yêu cầu tài sản thế chấp với người thu nhập thấp khi vay vốn ngân hàng mua nhà là ách tắc cần tháo gỡ, chẳng hạn, thay vì yêu cầu phải có tài sản, người vay có thể dùng chính ngôi nhà họ mua để bảo đảm cho nguồn vốn họ vay từ ngân hàng. Nói cách khác, quy định tín dụng phải chặt chẽ nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn, nếu không các chính sách tín dụng cho người thu nhập thấp chỉ nằm trên giấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.