(HNMO) – Từ đầu tháng 6 đến nay, một số ngân hàng thương mại lớn đã hạ tiếp lãi suất huy động VND.
"Ông lớn" giảm lãi suất huy động |
Từ đầu tháng, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV đã giảm tiếp lãi suất huy động VND.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm VND mới nhất của Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 5,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng có lãi suất 5,6%/năm. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng chỉ còn 5,9%/năm. Các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng lãi suất là 7%/năm. Agribank đưa lãi suất kỳ hạn 1 và tháng 2 về 5%/năm, thấp hơn mức trần 1%/năm. Lãi suất cao nhất tại đây cũng chỉ là 7%/năm. Tại BIDV, biểu lãi suất mới kể từ ngày hôm qua (18/6) là 5,25%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng, 5,5%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng. Các kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng có mức lãi suất lần lượt 5,75%/năm và 6%/năm. Lãi suất cao nhất tại đây đối với kỳ hạn dài là 7%/năm.
So với trước, lãi suất huy động VND của các nhà băng trên giảm khoảng 0,1-0,5%, đều thấp hơn mức trần 6%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay các nhà băng trên giảm lãi suất trong năm nay bởi trước đó họ đã một vài lần điều chỉnh. Giảm bớt chi phí do dư thừa vốn trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm là nguyên nhân chính khiến các “ông lớn” phải hạ tiếp lãi suất.
Theo báo cáo tuần của Công ty chứng khoán Vietcombank, sau 6 tháng đầu năm, tín dụng tại Vietcombank vẫn tăng trưởng âm 1,1% trong khi đó huy động của ngân hàn này vẫn tăng trưởng tốt với 3,4%, trong đó 77% lượng vốn huy động là VND. Còn theo thống kể Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 23/5, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm ngoái nhưng tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, năm nay, mục tiêu được đặt ra là tín dụng tăng trưởng 12-14%%.
Với việc các “ông lớn” giảm tiếp lãi suất huy động, nhiều nhà băng khác có thể sẽ vào cuộc, xác lập nên mặt bằng mới về lãi suất. Tuy nhiên, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nhận định, động thái giảm lãi suất trên chủ yếu mang tính chất giảm chi phí vốn cục bộ ở một số ngân hàng và không tác động nhiều lên mặt bằng lãi suất chung. Tính đến hiện tại, mức trần lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên và mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới trên cơ sở dự báo chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2014 chỉ ở quanh mức 5%. Tại cuộc họp báo tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ-Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương hạ thêm trần lãi suất. Nếu lạm phát đạt mục tiêu cả năm 6-7%, và có điều kiện các tổ chức tín dụng sẽ có thể hạ lãi suất cho vay thêm 1-2%/năm.
Còn nếu nói lãi suất huy động giảm để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, thời gian qua, lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Cũng tại buổi họp báo tháng 5, bà Hồng đánh giá, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh và lãi suất không phải là yếu tố làm cản trở tăng trưởng tín dụng. Việc doanh nghiệp có vay được vốn ngân hàng hay phụ thuộc vào chính hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay VND với sản xuất kinh doanh thông thường tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước hiện phổ biến là 9-10%/năm đối với ngắn hạn và 10,5-11,5%/năm đối với trung, dài hạn. Còn tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất phổ biến là 9,5-10%/năm và 11-12%/năm.
Cũng về vấn đề trên, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá vẫn còn cao như hiện tại, thì lãi suất khó có thể giảm thêm, do các ngân hàng đã không còn bán USD cho Ngân hàng Nhà nước và hiện tại thì lãi suất VND đã được coi là quá rẻ so với từ đầu năm đến giờ. “Bên cạnh đó, việc lãi suất giảm mạnh thời điểm này sẽ có thể là con dao hai lưỡi vì có thể tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư khiến cho các nhà đầu tư sẽ rút tiền cũng như tác động đến tỷ giá...”.-Nhóm phân tích này nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc lãi suất đấu thầu trái phiếu tăng cùng với khối lượng trúng thầu giảm thời gian qua cũng cho thấy tâm lý dự trữ VND nhằm đảm bảo an toàn của các ngân hàng đang tăng trở lại. Trong bối cảnh tình hình biển Đông còn căng thẳng thì việc lãi suất thời gian tới khó có khả năng giảm sâu thêm là hoàn toàn có khả năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.