(HNM)- Về vấn đề lãi suất trong thời gian gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, lãi suất cao tác động đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất là điều không thể tránh khỏi, bởi không có quốc gia nào lạm phát cao mà lãi suất lại thấp. Để giảm tổng cầu thì lãi suất phải cao, phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Ảnh: Linh Tâm
NHNN đã yêu cầu các NHTM tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống. Về nguyên tắc chung, khi chỉ số giá tiêu dùng giảm dần, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định vững chắc, không thể thay đổi ngay về chính sách, về lãi suất.
Nhiều ngân hàng đang hy vọng, NHNN sẽ giãn lộ trình giảm dư nợ phi sản xuất xuống 22% thêm một thời gian nữa vì các ngân hàng không đủ thời gian để thu hồi nợ. Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhận định, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra thông điệp để các ngân hàng có sự chuẩn bị và liên tục cảnh báo về rủi ro tín dụng phi sản xuất. Hiện còn 20 ngân hàng TMCP trong nước có tỷ lệ dư nợ khu vực phi sản xuất trên 22%, trong đó có hai ngân hàng trên 50%. Để thực hiện yêu cầu đề ra, sẽ có ngân hàng gặp khó khăn nhưng đây là chính sách chung, vì vậy, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định, NHNN sẽ có chế tài xử phạt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.