Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất liên ngân hàng tăng: Có đáng lo?

Hà Linh| 29/07/2022 13:49

(HNMO) - Do nhu cầu sử dụng vốn tăng cao, thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh thay vì duy trì mức thấp kỷ lục như thời điểm đầu năm. Thực tế này có đáng lo?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trung tuần tháng 7, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng lên 0,75%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,27%/năm cho kỳ hạn 1 tuần và 2,66%/năm của kỳ hạn 1 tháng. Trong phiên ngày 26-7, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng lên 5%/năm với kỳ hạn qua đêm. 

So với phiên cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng thêm 2,21%/năm. 

Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất cũng ở mức khá cao, như kỳ hạn 1 tuần, lãi suất là 4,75%/năm; 2 tuần là 3,9%/năm; 1 tháng là 4,24%/năm; 3 tháng là 4,08%/năm.

Nếu so với những tháng đầu năm, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh, bởi trong thời gian dài, lãi suất liên ngân hàng được giữ ở mức rất thấp. Chẳng hạn, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại chỉ quanh 0,1-0,4%/năm. 

Vậy, việc lãi suất liên ngân hàng tăng có đáng lo ngại và ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?

Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, tín hiệu này cho thấy nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp "nóng" dần sau thời kỳ dài bị "nén" bởi dịch Covid-19.

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng hơn 400.000 tỷ đồng tín phiếu ra thị trường để rút về lượng tiền VND tương ứng. Thậm chí, bên cạnh tín phiếu kỳ hạn 7-14 ngày thông thường, Ngân hàng Nhà nước còn phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 1-2 tháng.

Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại có thêm nguồn vốn, trong phiên giao dịch gần nhất (ngày 26-7), hơn 16.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước đẩy ra thị trường qua kênh thị trường mở. 

Qua đó, các chuyên gia cho rằng, thanh khoản hệ thống thể hiện trạng thái thiếu hụt tạm thời. Thông thường, nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Nhà nước cho vay tiền dưới hình thức chiết khấu giấy tờ có giá (bơm thanh khoản). Còn phát hành tín phiếu được hiểu là Ngân hàng Nhà nước phát hành giấy tờ có giá để thu tiền về (hút thanh khoản).

Trong nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước sử dụng rất linh hoạt hai công cụ trên. Nhưng thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang vừa cho vay trên kênh cầm cố, vừa có tín phiếu lưu hành để hút tiền nên có thể hiểu rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang thừa và đột ngột chuyển sang thiếu. 

Trong khi lượng tín phiếu trước đó chưa kịp đáo hạn thì Ngân hàng Nhà nước phải cho vay thông qua kênh cầm cố. Dự kiến, tuần đầu tháng 8, có khoảng 85.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, giúp thanh khoản hệ thống lấy lại trạng thái cân bằng.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng tạm thời căng thẳng có nguyên nhân từ việc các hợp đồng bán USD giao ngay và kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước đang được thực hiện. Cùng với việc cơ quan này đã liên tục phát hành tín phiếu trong một tháng trước đó, dẫn đến một lượng lớn tiền VND đã bị hút ra khỏi hệ thống.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Phong, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, lãi suất liên ngân hàng tăng là điều dễ hiểu khi nền kinh tế có khả năng hấp thụ nguồn vốn sau thời kỳ quá dài gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. 

“Thực tế này cũng cho thấy nền kinh tế đã dần phục hồi, do vậy, không quá lo về thanh khoản ngân hàng. Điều các ngân hàng đang cần hiện nay là được "nới" tăng trưởng tín dụng, vì hầu hết các ngân hàng đều đã sử dụng hết "room"”, ông Phong chia sẻ.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, nhưng sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch việc phân bổ, nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại. Do đó, nút thắt tăng trưởng tín dụng dần được tháo gỡ khi thị trường bước vào nửa cuối năm, vốn là cao điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất liên ngân hàng tăng: Có đáng lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.