Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất giảm, nhưng chưa ở mức kỳ vọng

Đức Anh| 27/06/2013 06:17

(HNM) - Lãi suất huy động giảm mạnh, chuyện thỏa thuận về lãi suất tiết kiệm đã có vẻ xa vời, hoặc nếu có cũng chỉ diễn ra ở rất ít ngân hàng.

Ảnh minh họa.


Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động VND với các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đang thấp hơn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND theo quy định. Cụ thể, lãi suất huy động với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng: 1,5-2%/năm; 1 tháng đến dưới 12 tháng: 5-7,5%/năm; 12 tháng trở lên: 8-10%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD mức trần là 2%/năm (tiền gửi của dân cư) và 0,5%/năm (tổ chức). Với mức lãi suất huy động đó, tại khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, lãi suất cho vay VND trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao: 8-10%/năm (ngắn hạn), 11-12%/năm (trung, dài hạn); lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD) khác: 9-11%/năm (ngắn hạn), 11,5-12,5%/năm (trung, dài hạn). Còn ở các NHTM cổ phần, tùy thuộc vào kỳ hạn, lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên dao động trong khoảng 9-12%/năm, SXKD thông thường: 11-14%/năm. Một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, phương án, dự án SXKD hiệu quả còn được cho vay với lãi suất 7-8%/năm. Lãi suất cho vay USD: 5-8%/năm, trong đó các NHTM nhà nước: 4-5%/năm (ngắn hạn), 6-7%/năm (trung và dài hạn); NHTM cổ phần: 5,5-6,5%/năm (ngắn hạn), 6,5-8%/năm (trung và dài hạn).

Dư thừa nguồn vốn nên hầu hết các ngân hàng đều không phải tìm mọi cách để huy động tiết kiệm như trước, bởi thế chuyện thỏa thuận lãi suất huy động với khách hàng không còn xảy ra phổ biến, nếu có cũng chỉ là số ít và mức lãi suất cộng thêm tối đa 1%/năm. Đại diện một ngân hàng ở Hà Nội cho biết, trước kia "đầu ra" của nguồn tiền khá dồi dào, nhu cầu sử dụng vốn của DN cũng như người dân tăng cao khiến ngân hàng phải tìm mọi cách để "kéo" người gửi tiết kiệm. Có những thời kỳ, giữa các ngân hàng chạy đua "ngầm" về lãi suất, mỗi ngân hàng lại tự đẩy lãi suất tăng một ít để hút lượng khách hàng gửi tiền, nên lãi suất huy động từng bị đẩy lên tới 18%/năm, gây ra sự xáo trộn trong hệ thống ngân hàng. Người gửi tiền được lợi, song thiệt hại chính là nền kinh tế, bởi những DN vay vốn sẽ phải chịu lãi suất cao, lên tới 24-25%/năm. Nhưng, đến nay đa số các ngân hàng đều thừa vốn nên không cần phải "lách" trần lãi suất huy động. Ngay cả khi ngân hàng không phải chịu áp trần lãi suất huy động với các kỳ hạn dài, nhưng mức lãi suất huy động phổ biến của ngân hàng cũng chỉ quanh ngưỡng 8%/năm. Song, khó khăn của ngân hàng trong thời điểm hiện nay không phải là nguồn vốn, mà là tìm khách hàng để cho vay. Có một thực tế là khá nhiều DN có nhu cầu vay tiền lại không có đủ "sức khỏe", ngân hàng không nhìn thấy rõ khả năng hồi phục của DN trong tương lai. Trong khi đó, những DN đáp ứng tốt điều kiện của ngân hàng lại không muốn vay vốn vì không có nhu cầu mở rộng SXKD khi sức tiêu thụ của nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu hạn chế. Mặc dù ngân hàng "chào" DN mức lãi suất khá thấp, nhưng đa số DN "khỏe" đều từ chối vay vốn.

Lãnh đạo một DN chuyên sản xuất thiết bị cơ khí ở Hà Nội cho biết, công ty được ngân hàng mời vay với lãi suất 10,5%/năm, giảm khoảng 3%/năm so với thời điểm hơn một tháng trước, còn nếu so sánh với lãi suất khoảng nửa năm trước đã giảm 6-7%/năm. Mức lãi suất được coi là khá hấp dẫn, nhưng DN vẫn không dám vay vì từ đầu năm đến nay, doanh thu của công ty giảm tới 30% so với những tháng cuối năm trước. Đơn đặt hàng giảm, nên DN chỉ nghĩ đến chuyện duy trì, không dám mở rộng. Tuy nhiên, DN này cũng kỳ vọng nếu ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống 7-8%/năm thì có thể tính đến chuyện vay vốn để mua thêm máy móc chuẩn bị cho các đơn đặt hàng vào cuối năm, vì theo dự báo, nền kinh tế sẽ ấm lại trong những tháng tới. Không chỉ DN này, hầu hết các DN đều mong đợi lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm cho phù hợp với sức khỏe DN. Mặc dù ngân hàng có đưa ra những gói lãi suất thấp 7-8%/năm, nhưng điều kiện để được vay quá khắt khe, DN khó "chạm tới" được. Cùng với DN, những khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, hoặc những hộ gia đình có SXKD quy mô nhỏ cũng cho rằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao (khoảng 14-15%/năm). Trong thời kỳ phải "thắt lưng, buộc bụng" như hiện nay lãi suất cần phải thấp nữa mới kích thích người dân vay tiền cho nhu cầu tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất giảm, nhưng chưa ở mức kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.