(HNM) - Trong khi một số ngân hàng tìm cách tăng lãi suất để huy động nguồn tiền gửi, vẫn có những ngân hàng đi ngược xu hướng khi điều chỉnh giảm lãi suất.
Dẫn đầu xu hướng giảm lãi suất huy động là BIDV với mức điều chỉnh giảm lãi suất tiền không kỳ hạn từ 0,3%/năm xuống 0,2%/năm, kỳ hạn 36 tháng từ 7%/năm xuống 6,8%/năm. Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm, nhưng lại tăng 0,1%/năm với kỳ hạn 1 tháng lên 4,3%/năm. Còn với VietCapital Bank áp dụng lãi suất huy động giảm 0,05%/năm ở kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0,1% kỳ hạn 13 và 18 tháng, nên mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Sacombank cũng điều chỉnh giảm kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng 0,1%/năm xuống 4,9%/năm và 5,2%/năm.
Ngược chiều với các ngân hàng trên, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, như VIB điều chỉnh tăng 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tháng lên 4,9%/năm, 3-5 tháng lên 5,1%/năm, 6-11 tháng lên 5,6%/năm, 2 tháng tăng 0,65%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 24-36 tháng tăng mạnh nhất 0,8%/năm lên 7%/năm. Các ngân hàng như PVcomBank tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng 0,2%/năm lên 7,5%/năm, BaoVietBank tăng kỳ hạn 11 tháng 0,2%/năm lên 6,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%/năm lên 7,2%/năm.
Lý giải hiện tượng "lệch sóng" lãi suất trên thị trường, lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cho biết, tùy thuộc vào nhu cầu vốn mà các ngân hàng tăng hay giảm lãi suất. Với những ngân hàng đã tăng lãi suất cao hơn mặt bằng chung thời điểm trước đều điều chỉnh hạ lãi suất trong dịp cuối năm này, tuy nhiên một số ngân hàng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì tìm cách hạ lãi suất "đầu vào" để tiết kiệm chi phí cho việc giảm lãi suất "đầu ra", nhằm hấp dẫn người dân và doanh nghiệp (DN) vay vốn. Mặc dù có sự khác nhau giữa các ngân hàng, song mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn khá ổn định, không có biến động lớn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần cuối tháng 11, đầu tháng 12, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 4,5-5,4%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng), 5,4-6,5%/năm (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng), 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng). Lãi suất huy động USD vẫn ở mức 0%/năm với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Mặt bằng lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên: 6-7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung - dài hạn); lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD: 2,8-4,8%/năm (ngắn hạn), 4,9-6%/năm (trung - dài hạn).
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng vẫn khá ổn định, không có biến động, thể hiện ở doanh số giao dịch giảm so với trước, mặc dù lãi suất của một số kỳ hạn tăng. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt 129.214 tỷ đồng, giảm 7.114 tỷ đồng với trung tuần tháng 11, bằng USD quy đổi ra VND đạt 73.139 tỷ đồng, tăng 15.960 tỷ đồng. Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (44% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (30%).
Dự báo về xu hướng lãi suất từ nay đến hết năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng. Các chuyên gia tài chính cũng nhận định, thông thường vào cuối năm và đầu năm, áp lực lên lãi suất cao hơn vì ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để phục vụ cho nhu cầu của DN và người dân, đặc biệt là người dân vay vốn tiêu dùng. Tuy nhiên, không giống như những "cơn sốt" trước, mặt bằng lãi suất sẽ không biến động quá mạnh, bởi nguồn vốn trong ngân hàng vẫn dồi dào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.