Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm?

Thanh Nga| 06/03/2021 06:12

(HNM) - Lãi suất huy động đã tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn liệu lãi suất cho vay có giảm tương ứng không, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo thống kê, lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đều dưới 4%/năm, kỳ hạn dài hơn từ 13 tháng đến 36 tháng là 5,5%/ năm, giảm khoảng 0,5%/năm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2021. Cụ thể, trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng xuống 2,9%/năm; kỳ hạn từ 24 tháng đến 36 tháng là 5,3%/ năm.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng điều chỉnh giảm mạnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm, như tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất thấp nhất là 2,35%/năm được áp dụng kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 6-8 tháng là 3,8%/năm... Theo dự báo, chỉ số lạm phát năm 2021 dự kiến ở mức 3,5%, nên các ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất huy động, cũng là cơ hội để giảm lãi suất cho vay. 

Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2020, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2%/năm, nhờ đó, lãi suất cho vay cũng được ngân hàng điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất vẫn chỉ dành cho lĩnh vực ưu tiên, có thể rơi xuống 4,5%/năm; còn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Về điều này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng chỉ đưa ra lãi suất cho vay thấp trong 6-12 tháng đầu, ở mức khoảng 8%/năm, những năm còn lại cộng thêm biên độ 4%/năm, nên nếu vay dài hạn, mức lãi suất doanh nghiệp phải gánh vẫn lên tới 12%/năm. 

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, lãi suất huy động đã tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, nên ngay cả cộng biên độ 3-5%/năm cho lãi suất cho vay, mức lãi suất vay dài hạn ngân hàng nên áp dụng cũng không thể vượt quá 10%/năm. Chưa kể, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nên cần nguồn vốn vay lâu dài để có thể vượt qua. 

Lý giải thực tế này, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, nhưng lãi suất ưu đãi chỉ có thể áp dụng trong khoảng 1 năm đầu vay vốn, vì ngân hàng cũng cần tính đến bài toán kinh doanh. Hơn nữa, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường, nếu nguồn vốn dồi dào, dư địa giảm lãi suất còn nhiều, ngân hàng sẽ tiếp tục áp dụng mức lãi suất cho vay thấp... Ngược lại, nếu lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay. 

Về diễn biến lãi suất thời gian tới, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), dịch Covid-19 khiến nhu cầu vốn khó kỳ vọng tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, nên lãi suất sẽ tiếp tục giảm, dù không nhiều.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, mặt bằng lãi suất khả năng sẽ giảm nhẹ thời gian tới do lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Còn trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2021, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Về diễn biến thị trường tiền tệ thời gian tới, xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là với khoản vay cũ, khoản vay trung - dài hạn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.