(HNM) - Trong Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 loại phương tiện này sẽ đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân với 2,14 triệu hành khách mỗi ngày trong giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 con số đó là 2,73 triệu.
Điều đó là rất cần thiết đối với một đô thị văn minh, hiện đại và là giải pháp quan trọng trong giảm ùn tắc giao thông khi điều kiện quỹ đất dành cho giao thông vẫn còn eo hẹp.
Để mục tiêu đó trở thành hiện thực là hàng loạt những vấn đề các nhà quản lý cần tính toán. Cụ thể, như đầu tư phát triển hạ tầng dành cho xe buýt; quy hoạch tổng thể mạng lưới xe buýt của Hà Nội; thay đổi ý thức của người dân đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng; nâng cao chất lượng phương tiện, cải thiện hình ảnh, tăng tính thân thiện với môi trường của xe buýt... Và trong đó không thể thiếu việc nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ vì đây là yếu tố hàng đầu tạo nên chất lượng dịch vụ xe buýt. Hiện, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) có hơn 5.000 nhân viên, hoạt động trên 900 xe buýt và mỗi ngày vận chuyển hơn một triệu lượt người. Vẫn biết do nhiều nguyên nhân, hiện nay áp lực đối với nhân viên phục vụ và đội ngũ lái xe buýt là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua như nội dung trao đổi với báo giới của một lãnh đạo Transerco "trung bình mỗi ngày chúng tôi đuổi việc một người" quả thật là một vấn đề rất đáng lo ngại. Nêu cao tính kỷ luật, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm, thậm chí sử dụng cả hình thức buộc thôi việc là cần thiết với những người làm công tác quản lý. Nhưng dù là khen thưởng hay kỷ luật, mục đích hướng đến là xây dựng tập thể, đội ngũ CBCNV nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả với công việc được giao. Kỷ luật nhiều nhưng không làm giảm được số người vi phạm thì một phần trách nhiệm trong đó cũng thuộc về người quản lý chưa tìm ra được giải pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại. Chẳng hạn, cũng theo cung cấp của một vị lãnh đạo Transerco: "Trước đây, lương của lái xe và nhân viên bán vé gấp khoảng 10 lần lương tối thiểu nhưng giờ lương lái xe khoảng 7-8 triệu đồng, còn lương phụ xe khoảng 2-3 triệu đồng". Đó chính là nguyên nhân mà nhiều người ở Transerco bỏ việc, ra ngoài làm với mức thu nhập cao hơn. Vậy DN đã làm gì để cải thiện đời sống cho CBCNV, đó có phải trách nhiệm của người làm công tác quản lý? Để tồn tại tình trạng người lao động sẵn sàng vi phạm rồi thôi việc tạo "cơ hội" cho DN tuyển dụng người mới vào làm việc và "vòng tuần hoàn" đó cứ đều đều hoạt động...
Dù mọi vấn đề liên quan đều được giải quyết, nhưng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không thể vươn lên phát triển nếu chất lượng đội ngũ lái xe và nhân viên không được cải thiện. Đây chính là "cái móng" của đề án và không thể xây nhà từ nóc mà bỏ quên hoặc không có sự chú trọng cần thiết đối với việc xây móng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.