Cả một vũ trụ giấy màu sống dậy trước mắt công chúng, đặc biệt là những vị khách nhỏ tuổi, qua triển lãm “Những đôi cánh” tôn vinh nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản Origami. Những mô hình được gấp và sắp đặt công phu đưa khán giả tới gần hơn với bộ môn nghệ thuật có từ ngàn năm trước, được trau chuốt thêm bằng những cộng hưởng đương đại đầy mạnh mẽ, khoáng đạt.
“Những đôi cánh” trưng bày 52 tác phẩm Origami của ba nghệ sĩ trẻ Lê Đức Thọ, Nguyễn Linh Sơn và Nguyễn Tuấn Tài, trải dài trên nhiều thể loại từ truyền thống đến phá cách, phô bày vẻ đẹp và sự phức tạp đầy hấp dẫn của những nếp gấp.
Lần đầu tiên, không gian triển lãm của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) được chuyển ra khu vực tiền sảnh, mở ra trước mắt công chúng một thế giới sống động muôn loài từ trên không, từ thảo nguyên, rừng thẳm, từ đại dương, và cả những linh thú bước ra từ trong thần thoại.
Các tác phẩm được khéo léo bố trí thành từng cụm. Dạo bước trong không gian vừa gần gũi vừa kỳ thú của triển lãm, công chúng như chìm đắm vào muôn sắc, muôn dạng của hiện vật. Những loài bọ, côn trùng đạp đất, bươm bướm, chuồn chuồn chụm đầu bay. Sứa, cá đuối, cá chuồn cưỡi trên ngọn sóng xanh. Sếu, hồng hạc, chim nhiệt đới cùng khiêu vũ...
Càng thưởng lãm, người xem sẽ càng được ngạc nhiên dẫn dắt. Cả một sinh cảnh thu nhỏ hiện lên với báo, voi, tê giác hiên ngang, hươu, ngựa, thỏ hiền lành, hay trâu khiêm nhường đầm mình dưới bùn, dưới nước... Sắp đặt này như thể một lời gợi nhắc đến Mẹ Thiên nhiên, đến những ký ức tuổi thơ mãi không bao giờ phai nhạt in hình thế giới động vật đầy màu sắc.
Và rồi kích thích thị giác được đẩy lên đến đỉnh cao khi người xem gặp gỡ những mô hình sinh vật vốn chỉ được nghe qua truyền thuyết. Đây là “Thần long” to lớn mang màu vàng quyền quý, uốn lượn uyển chuyển, kia là sói thần, điểu sư, kỳ lân bay với những sải cánh rộng dài... Mỗi tác phẩm là một kỳ công của nghệ sĩ. Như với “Thần long”, nghệ sĩ Nguyễn Linh Sơn đã dồn sức sáng tạo trong hơn một tháng, và đó cũng là tác phẩm anh dành nhiều thời gian nhất trong hành trình theo đuổi Origami.
“Những đôi cánh” “vén màn” nhiều kỹ thuật phức tạp của Origami, dù là truyền thống hay hiện đại, dù tác phẩm làm từ giấy khô hay giấy ướt. Triển lãm còn giới thiệu đến công chúng những loại hình khác của nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản. Một trong số đó là Origami hoa văn trang trí nổi (tessellation), mang hình dạng như tổ ong hay tấm pin năng lượng mặt trời, sử dụng nhiều kỹ thuật trên mô hình hình học và có thể mở rộng vô hạn trên mặt phẳng. Vẫn theo nguyên lý những nếp gấp nhưng với tessellation, nghệ sĩ tự do sáng tạo hoa văn, thổi được vào đó cái tôi cá nhân nghệ thuật. Từng ô hoa văn nở bung trên giấy như ảo ảnh kính vạn hoa, đầy lôi cuốn và mê hoặc.
Cũng tinh tế và tỉ mẩn không kém là những tác phẩm printmaking (in ấn thủ công). Tương phản, đối xứng, những ấn tượng hình học và thẩm mỹ từ hoa văn lưu lại trên giấy gấp Origami được ứng dụng theo một cách mới, tái hiện đầy sinh động trên mặt gỗ hay in mộc bản trên giấy lokta.
Phong phú là vậy, nhưng điều tuyệt diệu mà “Những đôi cánh” mang tới cho công chúng không chỉ dừng lại ở đó. Bức tường có tên “Great Happiness” (Niềm hạnh phúc lớn) sẽ được đắp bồi bằng những con hạc, thuyền và trái tim giấy do chính những vị khách tham quan triển lãm xếp tạo. Tuyệt phẩm ngựa thần cao 3m đang được các nghệ sĩ trực tiếp thực hiện tại không gian trưng bày trong sự dõi theo đầy thán phục của khán giả.
Xứ sở thần tiên của Origami sẽ mở cửa tự do cả tuần để chào đón khách tham quan đến hết ngày 15-8, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ở B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đồng hành cùng triển lãm, chuỗi workshop vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật sẽ là dịp để công chúng làm quen với những kỹ thuật cơ bản nhất của Origami, cùng góp phần lan tỏa “niềm hạnh phúc lớn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.