(HNM) - 1. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946 đến nay, nhân dân ta đã thực hiện quyền, trách nhiệm để bầu ra 14 khóa đại biểu Quốc hội và tùy điều kiện lịch sử từng địa phương mà có số lần bầu đại biểu HĐND các cấp nhiều hay ít hơn số nêu trên. Trải qua hơn 75 năm kể từ đó, mỗi một lần bầu cử đại biểu vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước lại có những yêu cầu với các ứng cử viên về phẩm chất, năng lực khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ mỗi giai đoạn. Song, ý thức công dân, ý thức trách nhiệm thể hiện qua những lá phiếu bầu của cử tri vẫn là nhân tố quyết định tới chất lượng cuộc bầu cử, chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh đất nước ta chưa khi nào có được tiềm lực, cơ đồ và vị thế như ngày nay; công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp thành công trọn vẹn. Đặc biệt, trong suốt hơn 1 năm qua, bản lĩnh của Đảng, năng lực điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp càng được khẳng định qua việc đề ra, thực hiện tốt những chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 hết sức đúng đắn, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ, ca ngợi. Điều đó cũng một phần xuất phát từ vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND, đại biểu HĐND ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội.
Bởi thế, cử tri tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân- quyền và nghĩa vụ được bao thế hệ hy sinh tính mạng và tài sản để giành lại - thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước và dân tộc.
2. Để thực sự nêu cao ý thức, thực hiện quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ công dân, để mỗi lá phiếu của cử tri là những lá phiếu trách nhiệm, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, mỗi cử tri cần nghiên cứu từng ứng cử viên, cân nhắc, so sánh, lựa chọn trước khi quyết định bầu ai.
Muốn vậy, cần tìm hiểu kỹ tiểu sử, chương trình hành động của các ứng viên thuộc đơn vị bầu cử của mình. Nhất là chương trình hành động có tính khả thi và đáp ứng được những yêu cầu phát triển của địa phương và đất nước hay không? Với địa phương, đó là những vấn đề gắn liền với phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường… Với đất nước, đó là những vấn đề lớn, cấp bách như: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển; chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tháo gỡ các khó khăn, rào cản để giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển… Qua đó, cử tri sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về các ứng cử viên để có lựa chọn chính xác.
Đặc biệt, mỗi cử tri nghiêm túc chấp hành đúng 8 quy định tại Điều 69, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND hiện hành. Trong đó, cần nắm vững nguyên tắc: Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, phải đóng dấu “đã bỏ phiếu” sau khi bầu cử. Càng không nên vì cục bộ, địa phương (điều dễ xảy ra với bầu cử HĐND cấp xã) hay vì tâm lý cá nhân hẹp hòi mà bỏ sót người có tâm, có tài, có năng lực.
Lá phiếu tuy nhỏ nhưng chứa đựng trách nhiệm lớn lao, vì lá phiếu ấy góp phần chọn lựa và xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lá phiếu bầu là biểu hiện sinh động lòng tin của dân với Đảng, với chế độ. Mỗi lá phiếu đều mang sứ mệnh cao cả là “viên gạch hồng” góp phần dựng xây quê hương và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trường tồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.