Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal (sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) toàn cầu. Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và cam kết về chất lượng, Việt Nam có vị thế thuận lợi để trở thành một trung tâm lớn cho các thành phần và sản phẩm được chứng nhận Halal.
“Mỏ vàng” ngành công nghiệp Halal
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo và dự báo sẽ đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu. Theo đó, ngành công nghiệp Halal có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao.
Năm 2023, người Hồi giáo đã chi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho việc tiêu thụ các sản phẩm Halal. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7 nghìn tỷ USD trong năm 2024 và tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Ngành công nghiệp Halal gồm những sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như: Đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ... và lĩnh vực dịch vụ như: Ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp Halal. Chúng ta đang có thế mạnh về sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, dệt may... và là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Việt Nam cũng có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp nước nhà tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal và những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành công nghiệp Halal và bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Cụ thể là xây dựng định hướng chiến lược, trong đó có Đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia; ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Halal toàn cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét, Halal là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng, hứa hẹn cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, thâm nhập và mở rộng hơn nữa trong bối cảnh đang có nhu cầu đa dạng hóa thị trường. Để thâm nhập vào thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc… phải sản xuất theo quy trình và phải được chứng nhận đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal, như: Chi phí đầu tư cao; thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều...
Chủ động xây dựng các tiêu chuẩn
Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật. Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal.
Ngày 24-4-2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam - HALCERT (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) ra đời là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam. HALCERT có nhiệm vụ tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng nhận Halal tại Việt Nam; nghiên cứu các hệ thống tiêu chuẩn Halal phổ biến trên thế giới; chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; đồng thời hoạch định và triển khai các hoạt động thảo luận, hội thảo chuyên đề, đào tạo liên quan đến lĩnh vực Halal... Bên cạnh đó, HALCERT có chức năng triển khai hợp tác trong nước và quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp Halal. Theo Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, HALCERT ra đời có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal, mà còn tạo điều kiện thuận lợi và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm Halal Việt Nam trên thế giới.
Cũng trong năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam”; đồng thời tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc công nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Việt Nam có nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao; đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực chứng nhận Halal, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững, từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đến nâng cao năng lực chứng nhận Halal, nhằm bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam trong lĩnh vực này đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.