(HNM) - TP Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển công nghệ thông tin - truyền thông. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng và đòi hỏi nhiều hơn ở
Mới đây, Sở Thông tin - Truyền thông đã tổ chức lễ trao giải thưởng công nghệ thông tin - truyền thông TP lần thứ tư. Đây là giải thưởng truyền thống được tổ chức hằng năm, nhằm vinh danh thành tích, đóng góp của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu hoạt động trên lĩnh vực công nghệ hiện đại này.
Theo Ban tổ chức, giải năm nay đã thu hút 34 doanh nghiệp, 5 cá nhân tham gia với 43 hồ sơ tham dự ở 5 nhóm tranh giải. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài danh tiếng cũng tham gia như Intel Vietnam, Harvey Nash, GHP Far East, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Bến Thành… Ngoài ra, để khuyến khích sáng tạo trong giới trẻ, năm nay Ban tổ chức còn mở rộng vinh danh cho các sinh viên đang theo học ngành công nghệ thông tin và thu hút 30 hồ sơ tham gia. Hạng mục giải thưởng dành cho doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất, bởi đây là lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, đồng thời cũng khẳng định được uy tín doanh nghiệp Việt. Ba sản phẩm đoạt giải được trao cho Công ty CP Misa, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT và Công ty CP Phần mềm quản lý doanh nghiệp (chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Càng ấn tượng hơn khi Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, năm 2011, ngành công nghệ thông tin đã tạo ra giá trị khoảng 13 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này tại TP Hồ Chí Minh đóng góp gần 50%. Đây cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sớm xác định công nghệ thông tin - truyền thông là một lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, có hàm lượng chất xám và đem lại lợi nhuận cao, ngay từ năm 2001, TP đã xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung, sau khi đi vào hoạt động đã thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đến nay, đây vẫn là trung tâm công nghệ thông tin hiện đại, hàng đầu cả nước, góp phần tích cực đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 83/190 quốc gia trên thế giới ứng dụng chính phủ điện tử (thứ 19 Châu Á, thứ 4 Đông Nam Á). Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao việc tổ chức trao giải cho các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cho rằng đây sẽ là "cú hích" khuyến khích sáng tạo. Và trên thực tế, các đơn vị đoạt giải đều là những doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thông tin thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh cái được thì Hiệu trưởng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng vẫn thẳng thắn cho rằng, giải thưởng năm nay vẫn thiếu nhân tố mới và đặc biệt "yếu tố" công nghệ chưa cao như mong đợi. Nhìn vào danh sách các đơn vị giành giải có thể thấy rõ điều này. Đơn cử, hạng mục doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng tiêu biểu vẫn chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm máy tính để bàn mang "thương hiệu Việt". Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, các sản phẩm dự thưởng mang tính ứng dụng cao hơn tính đột phá và chưa đưa ra giải pháp hướng tới tương lai. Phó Chủ tịch TP cũng bày tỏ mong muốn một ngày nào đó, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh sẽ có những sản phẩm mang tầm thế giới như Ipad (Apple), Samsung Galaxy… để khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Và như lãnh đạo TP cho biết, để hướng tới mục tiêu đó, TP đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực công nghệ này trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.