Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng cho sự phát triển mới của Hà Nội

An Trân| 18/10/2012 06:33

(HNM) - Từng hy vọng được thông qua vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến nay, sau gần 3 năm chuẩn bị, dự thảo Luật Thủ đô mới nhất đã làm rõ hơn về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô.

Theo quy trình, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII sắp khai mạc, dự thảo luật sẽ được xem xét thông qua. Được thông qua, luật này sẽ là cơ sở pháp lý và căn cứ quan trọng để phát triển Thủ đô trong tương lai.

Làm rõ cơ chế đặc thù

Gồm 4 chương, 28 điều, Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất theo ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội (QH) cũng như nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã từng bước làm sáng tỏ những vấn đề chưa đạt sự đồng thuận cao tại các kỳ họp trước về cơ chế cũng như chính sách đặc thù đối với Thủ đô.

Áp lực dân số đang gây khó khăn cho sự phát triển của Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Dự thảo luật mới nhất đã quy định siết chặt hơn điều kiện nhập cư vào nội thành so với Luật Cư trú. Ngoài những quy định của pháp luật về cư trú, cá nhân muốn đăng ký thường trú tại khu vực nội thành phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên, nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi ở tạm trú.

Dự luật cũng có một số nội dung mới như, HĐND TP có thể quyết định mức thu phí giao thông ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền. Việc xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành cũng quy định, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.

Không chỉ làm rõ các quy định cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, dự thảo đã đề cập tới một điểm mới được đánh giá cao là làm rõ trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước. Theo đó, tại điều 5 chương I dự thảo đã quy định: Xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô góp phần phát triển KT-XH của vùng Thủ đô và cả nước. Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các nội dung tại dự thảo đã rõ ràng và có sức thuyết phục hơn. Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước là một điểm mới đáng được ghi nhận.

"Siết" lại để tăng cường quản lý

Đáng chú ý, các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng mức xử phạt của 5 lĩnh vực giao thông, môi trường, xây dựng, văn hóa, đất đai và "siết" nhập cư khu vực nội thành, tại dự thảo lần này đã cơ bản đạt sự đồng thuận cao. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành. Do vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quy định về đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) như quy định tại điểm b, khoản 4 điều 19 của dự thảo luật. Tương tự, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn xét trên vị trí, vai trò và tình hình thực tiễn của Hà Nội hiện nay là cần thiết, nhằm đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Tham dự phiên thảo luận, góp ý của UBTV QH cho Dự thảo Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng Hà Nội cần thiết có những quy định riêng về nhập cư xuất phát từ nhu cầu quản lý, khả năng đáp ứng nhu cầu về KT-XH, nhất là chỗ ở, việc làm. Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ trong nội thành gắn với điều kiện phải có nơi ở ổn định, thường xuyên là để quản lý dân cư khoa học, chủ động chứ không phải cấm đoán quyền tự do cư trú. Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng khẳng định, đối với 5 lĩnh vực đề xuất tăng mức xử phạt, việc thu phí cao hơn là nhằm góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề mang tính lâu dài vừa xử lý những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với Thủ đô hiện nay.

Mỗi quốc gia đều có Thủ đô và là duy nhất, khác biệt với các đô thị khác. Luật Thủ đô sớm được thông qua, cử tri Hà Nội cũng như cả nước kỳ vọng đây sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển Thủ đô toàn diện về mọi mặt, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội và Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng cho sự phát triển mới của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.