(HNM) - Gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử là một trong những hoạt động văn hóa, giáo dục ý nghĩa. Những câu chuyện ký ức hoa lửa từ chương trình giao lưu “Một thời để nhớ” do Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức mới đây, không chỉ cho thấy bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh thời đại mà còn góp phần làm sáng tỏ thêm một giai đoạn lịch sử gian khó nhưng đầy kiêu hãnh của dân tộc.
Giao lưu với các nhân chứng lịch sử “Một thời để nhớ”. |
Ký ức không thể nào quên
Hội trường Trung đoàn 375, Bộ Tư Lệnh cảnh vệ (Bộ Công an) chật kín người nhưng im phăng phắc khi Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào bắt đầu câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hiểm nguy, thách thức của ông với không biết bao lần hứng chịu đòn roi, tra tấn, ngục tù của giặc hay cận kề cái chết.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể: “Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha mẹ, lớn lên bằng sự nuôi dưỡng, bao bọc của người thân, làng xóm, đời sống khi đó rất khổ cực, nhân dân lầm than vì giặc giã. 16 tuổi, đi theo tiếng gọi của Đảng, tôi tham gia các hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở...”.
Nhiều năm sau đó, từ khắp các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... đến mặt trận Tây Nguyên, đâu đâu cũng có dấu ấn hoạt động cách mạng của ông với cùng một khát khao cháy bỏng giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc. Không chỉ có vậy, ông còn là người luôn có mặt tại những mặt trận khó khăn nhất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tại đất nước Triệu Voi.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương hồi tưởng: Những năm tháng sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc Lào, chúng tôi không ai không ghi nhớ nằm lòng câu nói của Bác: "Phải biết yêu quý, tôn trọng núi sông, nhân dân Tổ quốc mình. Giúp bạn cũng là bảo vệ mình". Lời dạy của Người đã thể hiện rõ tình nghĩa quốc tế đẹp đẽ, đường lối quốc tế vô cùng cao cả, trong sáng của Đảng ta.
“Hát mãi khúc quân hành ca”
Những câu chuyện xúc động, quả cảm về một thời hoa lửa tiếp tục được khắc họa qua ký ức của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Viện trưởng Viện Khoa học và chiến lược Bộ Công an. Ông nhớ lại: Năm 1948, để kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 18-5, tôi cùng đồng đội lên kế hoạch bí mật bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm gắn cờ Tổ quốc lên đỉnh tháp Rùa. Sáng 19-5, mọi người dân Thủ đô ngỡ ngàng, xúc động bởi hình ảnh cờ đỏ sao vàng giữa trung tâm Hà Nội, xôn xao khâm phục hoạt động của cán bộ kháng chiến ngay giữa lòng thành phố, còn kẻ địch thì tức tối, truy lùng những người tham gia treo cờ cách mạng.
Lần lượt từng người trong đội treo cờ bị bắt giữ, tra khảo tại Nhà tù Hỏa Lò. Mỗi ngày là một cuộc chiến không cân sức với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chế độ lao dịch khắc nghiệt và thường xuyên bị bỏ đói. Không chịu khuất phục trước sự uy hiếp của kẻ thù, ông và đồng đội nung nấu kế hoạch vượt ngục, tiếp tục phục vụ cách mạng.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể: Tháng 12-1948, lợi dụng sơ hở của địch trên công trường lao dịch, tôi và đồng đội tìm cách trốn thoát. Nhờ kinh nghiệm từ những lần vượt ngục trước, ban ngày chúng tôi lẩn trong rừng, ban đêm mới tiếp tục di chuyển nên kẻ địch dù rốt ráo càn quét, săn lùng vẫn phải bỏ cuộc. Đầu năm 1949, tôi đã tìm được về đơn vị cũ, tiếp tục tham gia hoạt động cho đến khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Ngày trở lại Thủ đô, với vai trò là cán bộ Công an Hà Nội, tôi được giao tiếp quản nhà lao Hỏa Lò, nơi bản thân và rất nhiều đồng đội đã bị giam giữ trong những ngày kháng chiến chống Pháp.
Nói về nguồn động lực giúp bản thân vững vàng trên con đường cách mạng đầy thử thách, những con người đi qua hai cuộc chiến, bộc bạch: Đó là niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, vào cuộc chiến vì chính nghĩa của dân tộc. Niềm tin ấy được chuyển hóa thành sức mạnh, giúp vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để rồi hạnh phúc và tự hào khi đã dành trọn cuộc đời để “hát mãi khúc quân hành ca”.
Trong suốt lịch sử trường chinh chiến đấu với khát vọng hòa bình, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, trở thành “những chiến sĩ của lòng dân”. Họ luôn tự hào được góp một phần công sức trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc cũng như sẵn sàng khơi dậy truyền thống, tiếp lửa anh hùng bằng những câu chuyện ký ức sống mãi của mình.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Quang, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an khẳng định: Chiến tranh đã kết thúc nhưng những câu chuyện của lịch sử, một thời đạn bom ác liệt, của bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ cha anh vẫn hiện hữu và lan tỏa nhờ những người đã dành cả một đời vì độc lập, tự do dân tộc. Những nhân chứng lịch sử, tấm gương chiến đấu quả cảm sẽ giúp thế hệ trẻ cảm nhận được những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, để thường xuyên bồi đắp nhận thức, nâng cao trách nhiệm, đoàn kết một lòng vượt qua gian khó, đóng góp trí tuệ, công sức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.