Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức không thể nguôi quên!

Nguyễn Duy Hạ| 16/03/2015 06:33

(HNM) - Đã tròn 40 năm, trận mở màn cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 tại Buôn Mê Thuột vẫn còn in đậm trong ký ức của chúng tôi, bởi lần đầu tiên được ra trận, bởi nghệ thuật quân sự tài giỏi của quân đội ta...


Năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã bước vào giai đoạn quyết định. Thế và lực, cũng như tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có nhiều thay đổi. Trước tình hình đó, tháng 9-1974, Bộ Chính trị đã nêu quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976; đồng thời xác định "Tây Nguyên, trọng điểm là Nam Tây Nguyên là hướng chiến lược quan trọng". Để có lực lượng cho quyết tâm chiến lược đó, ta đã chuẩn bị mọi mặt, trong đó đã động viên một số lượng lớn thanh niên lên đường nhập ngũ. Tháng 10-1974, chúng tôi, những thanh niên thuộc các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ… hăng hái lên đường. Các chiến sĩ được lập thành 2 tiểu đoàn là 844 và 845 thuộc Trung đoàn 12 huấn luyện quân tăng cường của Tỉnh đội Hà Tây. Tiểu đoàn tôi là 844 đóng quân tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức.

Xe tăng thuộc Trung đoàn 273 đánh địch phản kích trong trận mở màn


Ba tháng huấn luyện là thời gian thử thách đối với chúng tôi - những thanh niên vừa rời ghế nhà trường. Nào tập bắn súng AK, ném lựu đạn, đánh bộc phá, nào đeo nặng hành quân trong những đêm đông giá rét… Thật đúng là "Súng bắn chưa quen, quân sự mươi bài" mà "Lòng vẫn cười vui kháng chiến"…

Ngày 1-2-1975 (tức 21 tháng Chạp năm Bính Dần), sau khi nhận quân tư trang, vũ khí tại Trung đoàn bộ ở Miếu Môn, chúng tôi hành quân ra ga Tía (Thường Tín) để lên tàu đi vào Nam chiến đấu với phiên hiệu Đoàn 2043. Nhiều anh em có người thân ra tiễn, những cuộc chia tay bịn rịn. Tôi và nhiều anh em khác tự nhiên nước mắt tuôn trào. Tàu dừng tại ga Vinh, từ đó chúng tôi hành quân bằng đủ các loại xe quân sự. Ấn tượng nhất là hôm đơn vị được chuyển bằng xe ca Hải Âu. Đoàn xe gần 20 chiếc màu trắng đi trên đèo Ngang vòng vèo thật là đẹp. Trên đường Trường Sơn, chúng tôi nhập vào những đoàn quân ra trận khác. Đúng là ngày hội như nhà thơ Phạm Tiến Duật viết trong bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm…", hay nhà thơ Tố Hữu viết trong Nước non ngàn dặm: "Trường Sơn mây núi lô xô, quân đi sóng lượn nhấp nhô bụi hồng". Chúng tôi ăn Tết Ất Mão tại một binh trạm thuộc tỉnh Savanakhet của Lào. Một cái Tết đầu tiên xa quê với bánh chưng và thịt hộp. Và chúng tôi cứ tiến mãi về phía Nam, ngày nắng nóng khô cháy, đêm lại lạnh cắt thịt da, xe sau không nhìn thấy xe trước vì bụi đỏ mịt mù.

Những tưởng được trang bị võng dù, màn tuyn thì sẽ được vào Đông Nam bộ chiến đấu, nhưng bất ngờ sau một tháng ngồi ô tô vượt hàng nghìn kilômét trên tuyến đường Tây Trường Sơn, chỉ còn một trạm nữa là tới Lộc Ninh, đơn vị chúng tôi lại có lệnh trở lại Tây Nguyên theo yêu cầu của mặt trận. Lúc này là đầu tháng 3-1975, mặt trận Tây Nguyên đang bí mật chuẩn bị cho trận đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột, mở màn cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Để giữ bí mật hướng chiến dịch, ta đã nghi binh thành công bằng nhiều cách, làm cho địch tưởng ta mở chiến dịch ở Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Plâycu). Một trong những vấn đề đặt ra là xe cơ giới chưa thể vận chuyển đạn dược vào sát thị xã Buôn Mê Thuột trong điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối, thì làm sao có đạn để pháo binh ta mở màn cho chiến dịch? Chỉ có bằng sức người bí mật, mang vác đạn cho các trận địa pháo mà thôi. Có lẽ đơn vị chúng tôi là sự lựa chọn hoàn hảo cho yêu cầu này.

Chúng tôi gấp rút đi nhận lương thực để mang theo trong những ngày đi chiến dịch. Ngày 8-3-1975, gần 400 chiến sĩ đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng nghìn quả đạn hỏa tiễn H12 và ĐKB cho các trận địa pháo bí mật ở sát thị xã Buôn Mê Thuột. Mỗi quả đạn H12 nặng gần 20kg, ĐKB thì nặng hơn, gần 40kg, nhưng có hai phần là liều phóng và đầu đạn, mỗi người chỉ mang được một phần. Quãng đường từ kho đạn đến nơi tập kết tại trận địa khoảng gần 100km. Chúng tôi đi trong 3 ngày đêm, ngày đầu còn đi được vào ban ngày, hai ngày sau khi vào gần khu vực thị xã thì phải đi vào lúc đêm tối.

Đơn vị cứ một hàng dọc mà tiến. Thỉnh thoảng phía trên truyền xuống là có thám báo, hay có người dân, thế là cả đoàn lại dạt vào hai bên đường, khi có lệnh mới tiếp tục đi. Chúng tôi phải vượt qua nương rẫy của đồng bào Tây Nguyên, qua những chòi canh thấp thoáng, văng vẳng trong buôn làng là tiếng cồng, tiếng chiêng bập bùng rộn rã, phía xa xa, ánh đèn từ thị xã Buôn Mê Thuột hắt lên nền trời một thứ ánh sáng mờ đục… Mặc dù rất căng thẳng, nhưng những người lính mới chúng tôi không cưỡng được những cơn buồn ngủ, thỉnh thoảng có người ngã đánh oạch một cái, nhưng rồi lại ôm đạn lên vai vác đi tiếp. Đêm cuối cùng, khi chỉ còn cách nơi đặt trận địa pháo khoảng 5km, dường như phát hiện được quân ta, pháo của địch bất ngờ từ Buôn Đôn bắn vào khu vực chúng tôi đang hành quân. Tiếng rít, tiếng nổ của đạn pháo, rồi đất đá bay rào rào, chúng tôi rạp hết xuống đất, tránh vào bất cứ chỗ nào có thể tránh được. Cũng may là đạn pháo không rơi trúng vào đội hình, nên chúng tôi được lệnh phải vận động nhanh ra khỏi khu vực này trước khi pháo chuyển làn. Như có một điều kỳ diệu, trong đêm tối chúng tôi chạy một mạch 5km với quả đạn 20kg trên vai mà chẳng ai bị ngã, bị lạc.

Trận địa pháo dã chiến được đặt trên một quả đồi trồng toàn chuối. Chúng tôi đặt những viên đạn vào vị trí, đồng thời quay lại đón tiếp lượt đạn thứ hai của đồng đội phía sau mang vào. Không gian lúc này yên ả lạ thường, nhưng quân địch không biết rằng chỉ vài giờ nữa là chiến dịch sẽ mở màn, bão lửa sẽ trút xuống. Chúng tôi được lệnh rút ra ngoài, cách xa trận địa vài kilômét. Không có thời gian để nghỉ, trong đêm tối, chúng tôi phải đào hầm để trú ẩn.

Đúng 2h sáng 10-3-1975, pháo ta bắt đầu bắn vào các mục tiêu trong thị xã như Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Ngụy, kho Mai Hắc Đế, sân bay... Tiếng H12 xé gió lao vun vút, tiếng đạn ĐKB gầm lên giận dữ, rồi sau đó là tiếng súng bộ binh nổ như ngô rang. Chiến dịch chính thức mở màn. Trong lúc pháo ta mở màn, các loại xe vận tải cơ giới cùng xe tăng gạt đổ cây rừng mà công binh đã cưa 2/3 gốc từ trước, đồng loạt tiến lên, bật đèn pha sáng trưng, chở quân, chở đạn cung cấp cho quân ta chiến đấu liên tục.

Nhiệm vụ chúng tôi được giao là bảo đảm đạn cho giờ nổ súng đầu tiên để giữ bí mật cho chiến dịch đã hoàn thành. Sáng hôm sau, nhìn bộ đội ta dẫn giải tù binh qua suối, chúng tôi rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng chung. Sau đó một ngày, chúng tôi trở lại nơi xuất phát để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Ba ngày trở lại hậu cứ cũng là 3 ngày vất vả gian nan. Mấy ngày trước đi đêm, nay trở về vào ban ngày không khỏi bỡ ngỡ. Có một điều không thể quên được, đây lại là những ngày chúng tôi bị đói, bị khát. Số là khi đi phục vụ chiến dịch, do đã phải mang vác nặng nên anh em bỏ bớt gạo lại. Bởi vậy lúc về mỗi trung đội chỉ còn vài cân, chỉ đủ nấu cháo loãng cầm hơi, đói quá, chúng tôi phải đi tìm sắn của bộ đội mình trồng trong các vạt rừng từ trước để luộc ăn. Củ sắn bóc vỏ ra trắng tinh là thế nhưng khi luộc bằng nước suối đục lại trở thành màu nâu đất như ban đầu. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn thấy ngon và nhớ mãi .

Sau nhiệm vụ đầu tiên này, chúng tôi được phân về các đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Có trung đội về các kho hậu cần để hằng ngày bốc đạn, lương thực, thực phẩm cho xe chở ra mặt trận, có trung đội được theo Bộ Tư lệnh chiến dịch để làm nhiệm vụ đào hầm, có trung đội bổ sung cho các đội điều trị của Quân đoàn. Riêng đại đội 3, được bổ sung cho F10, chiến đấu tại Khánh Dương, rồi tiến về giải phóng Nha Trang. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng… Và hằng năm, những chiến sĩ cùng nhập ngũ một đợt chúng tôi lại họp mặt với nhau để ôn lại ký ức không thể nào quên của một thời quân ngũ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức không thể nguôi quên!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.