(HNMO) - Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với những ký ức không phai mờ về giai đoạn lịch sử “Hà Nội 12 ngày đêm” đến nay vẫn hiển hiện rõ nét trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt.
Bộ phim “Em bé Hà Nội”
Bộ phim “Em bé Hà Nội” của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974, do NSND Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, thời điểm quân đội Hoa Kỳ thực hiện Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam. Bộ phim phản ánh nỗi đau thương của người dân Hà Nội trong 12 ngày đêm hứng chịu những đợt rải bom B-52 của Đế quốc Mỹ mà nặng nề nhất là khu phố Khâm Thiên.
Cảnh trong bộ phim "Em bé Hà Nội". |
Bộ phim ghi dấu ấn của NSND Lan Hương vào vai “Em bé Hà Nội”, khi ấy mới 12 tuổi. “Em bé Hà Nội” khai thác khía cạnh khốc liệt của cuộc chiến cũng như tình người trong chiến tranh. Phim kể về em bé Ngọc Hà đi tìm bố mẹ và người em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.
Dù không tập trung tả cảnh ném bom ác liệt nhưng với việc khai thác quang cảnh tàn dư của cuộc chiến, những đau thương mất mát của những gia đình Hà Nội ở khu phố Khâm Thiên, “Em bé Hà Nội” trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam gợi nhớ về một thời đau thương, bi tráng của Hà Nội trong cuộc chiến “12 ngày đêm” với B-52 của Đế quốc Mỹ.
Những ngày này, khi gợi nhớ về việc đóng bộ phim “Em bé Hà Nội”, NSND Lan Hương – diễn viên chính của bộ phim vẫn không thể quên được những kỷ niệm về vai diễn đầu tiên. Chị vẫn nhớ như in cảnh quay ở những hố bom chưa dọn dẹp. Do bộ phim được quay vào tháng 6, tháng 7-1973, khoảng nửa năm sau trận “Điện Biên Phủ trên không” nên nhiều nơi vẫn chưa được dọn hết. Tàn dư của cuộc chiến và những đau thương, mất mát của người Hà Nội vì đợt B-52 ném bom vẫn còn khắc ghi trong ký ức của nhiều người trong đoàn làm phim.
“Tôi luôn biết ơn vì được tham gia đóng phim Em bé Hà Nội, bởi đó không chỉ là bộ phim đầu tiên tôi được mọi người yêu mến mà còn bởi giá trị và ý nghĩa của bộ phim về giai đoạn lịch sử không bao giờ quên của Hà Nội”, NSND Lan Hương chia sẻ.
Phim “Hà Nội – 12 ngày đêm”
Bộ phim truyện nhựa “Hà Nội – 12 ngày đêm” của NSND – đạo diễn Bùi Đình Hạc được hoàn thành vào năm 2002. Đây là một bộ phim chân thật, sống động, ngợi ca tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân và dân Thủ đô. Phim có sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Chiều Xuân, Quốc Tuấn, Xuân Tùng, Mai Thu Huyền, Hoàng Nhật Mai cùng với sự tham gia của nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Cảnh trong phim "Hà Nội - 12 ngày đêm". |
Không dừng lại ở việc miêu tả chiến công, những người làm phim cố gắng để bộ phim đạt được những giá trị nghệ thuật mang đậm tính nhân văn. Trong những thời khắc ác liệt của cuộc chiến vẫn sáng ngời tình yêu của những người con Hà Nội. Trong phim, đạo diễn tái hiện một đêm “hoà bình” giữa cuộc chiến ác liệt - đó là đêm Noel, tháng 12-1972. Tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, mọi người để tang cho những người đã mất.
Phim “Hà Nội - 12 ngày đêm” đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14. Bộ phim cũng đã tham dự 10 Liên hoan phim quốc tế: Năm 2003, tham dự liên hoan phim Cairo (Ai Cập), Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản), liên hoan phim New Delli (Ấn Độ); Năm 2004, tham dự LHP Locarno (Thụy Sĩ), LHP Vesoul (Pháp), LHP Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Năm 2005, tham dự LHP Fair (Teheran- Iran) và LHP Laguna Tenerife (Tây Ban Nha).
Tại LHP Fukuoka (Nhật Bản) năm 2003, ông Tadao Sato - Chủ tịch LHP và Viện trưởng Viện hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản nhận xét rằng: "Trong từng trường đoạn, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, nhưng vượt lên trên hết là tình yêu hòa bình, tình nhân ái của con người Việt Nam".
Ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”
Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân – “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã trở thành một trong những ca khúc bất hủ, hay nhất về Hà Nội. Ca khúc thể hiện niềm kiêu hãnh, ý chí bất khuất và tâm hồn lãng mạn của người Hà Nội. Điều thú vị, ca khúc được nhạc sĩ Phan Nhân viết rất nhanh, vào đúng những ngày Hà Nội gống mình chiến đấu dũng cảm trong trận chiến “12 ngày đêm” chống lại đợt rải bom B-52 của Đế quốc Mỹ.
Cố nhạc sĩ Phan Nhân - tác giả ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng". |
Khi còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân từng rất nhiều lần kể lại thời điểm và cảm xúc khi viết ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
“Tháng 12 năm ấy (1972), tôi đang có mặt ở Hà Nội. Trời rét căm căm. Trong tiếng bom nổ rung chuyển là tiếng hô vang của bà con ta: “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Người dân Hà Nội khi ấy hả hê, sung sướng lắm. Họ quên cả nguy hiểm, nhô lên khỏi các hầm để hò reo đến khản giọng khi chứng kiến những chiếc pháo đài bay (B52) của giặc bốc cháy. Tôi và người dân Hà Nội khi ấy trong lòng trào dâng một cảm giác vui sướng, lạc quan trước cuộc đương đầu oai hùng của lực lượng phòng không và không quân của ta. Ngay khi tiếng bom ngưng, máy bay địch rút chạy, thành phố trở lại bình yên, tôi ngồi vào đàn để tấu lên những nốt nhạc đầu tiên: “Ơi, Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ...”. Đó là những nốt nhạc tôi bật ra đầu tiên và phần lời ca cũng tuôn ra khá dễ dàng...”, đó là câu chuyện ông tâm sự với báo giới vào năm 2010.
“Hà Nội niềm tin và hy vọng” với giai điệu khi hào hùng, khi lãng mạn cùng lời ca đầy chất thơ được vang lên ngay sau những ngày tháng chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Ca khúc như nói hộ tình cảm của bao người con Hà Nội, dù hoàn cảnh nào vẫn anh hùng, hiên ngang trong niềm kiêu hãnh và tự hào.
Nghe ca khúc 'Hà Nội niềm tin và hy vọng" của nhạc sĩ Phan Nhân:
Ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
Đây là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết vào đêm 27-12-1972 ngay dưới hầm trú bom của Đài tiếng nói Việt Nam, đúng thời điểm Hà Nội đỏ rực lửa chiến đấu. Ngày 29-12, ca khúc chính thức phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam gây xúc động cho nhân dân cả nước. Giai điệu và ca từ hào sảng của bài hát như tiếp thêm tinh thần chiến đấu của quân và dân Thủ đô, xoa dịu những nỗi đau của bao gia đình Hà Nội chịu ảnh hưởng từ những đợt bom oanh tạc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả ca khúc "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". |
Trong bài có đoạn viết: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi… Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa”.
Đến nay, khi nhớ về ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lần đầu tiên phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam, rất nhiều nhạc sĩ cùng thời với nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ rằng, đó là cảm xúc không bao giờ quên. Nhiều người đã khóc khi nghe ca khúc này.
Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông sáng tác ca khúc đơn giản vì đó là cảm xúc tự nhiên được tuôn trào khi ông chứng kiến Hà Nội rung chuyển trong sự tàn phá của bom Mỹ, chứng kiến lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa. Tác phẩm như lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng ắt sẽ đến của quân và dân ta.
Nghe ca khúc "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không" của nhạc sĩ Phạm Tuyên:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.