(HNMO) - 9h hôm nay (27-5), tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đó là các bệnh nhân: 20, 52, 291, 295, 308 và 324.
Trong số 6 bệnh nhân này, bệnh nhân 20 là Lê Tuyết H (nữ, 64 tuổi ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) từng nhiều lần nguy kịch tưởng như không thể qua khỏi, trong đó có 3 lần ngừng tim nhưng đến nay sức khỏe đã ổn định, xét nghiệm 7 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Đây cũng là ca Covid-19 nặng nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương được cứu chữa thành công.
Từ 81 ngày điều trị tích cực...
Hơn 9h hôm nay, ngồi trên xe đẩy, nữ bệnh nhân 64 tuổi được nhân viên y tế đưa ra khu vực sảnh của bệnh viện - nơi có rất đông các phóng viên tác nghiệp. Bà bước ra khỏi xe đẩy, gương mặt tỉnh táo, nhanh nhẹn, vẫy tay chào các y, bác sĩ và phóng viên. Không ai có thể nghĩ rằng, bệnh nhân này đã trải qua những giờ phút "thập tử nhất sinh".
Bệnh nhân 20 lây nhiễm Covid-19 từ cháu gái là bệnh nhân 17 (bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tại Hà Nội). Bệnh nhân vào viện rạng sáng 7-3. Gần 10 ngày từ khi vào viện, nữ bệnh nhân 64 tuổi bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, đặc biệt xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Với diễn tiến bệnh nghiêm trọng, ngay lập tức, các bác sĩ phải cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp.
Tình thế mỗi lúc một nguy cấp, bệnh diễn biến xấu hơn, bệnh nhân bị suy thận, phải lọc máu liên tục. Do đó, ngày 19-3, bệnh nhân được duy trì sự sống bằng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Đến ngày 4-4, bệnh nhân đã tự thở, cai ECMO, tình trạng tốt dần lên. Các bác sĩ vui mừng vì đã đi được 70% chặng đường. Thế nhưng, một diễn biến bất ngờ lại xảy đến khi vi rút tấn công vào tim làm tổn thương cơ tim.
0h45 đêm 8-4, bệnh nhân 64 tuổi bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn tới 3 lần rồi cứ thế rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh. Trong 3 lần ngừng tim ấy, có lần bệnh nhân ngừng tim tới 40 phút, 8 y, bác sĩ thay phiên nhau ép tim và đã có lúc tưởng chừng bỏ cuộc. Thế nhưng, may mắn sau 40 phút nỗ lực, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại.
"Chúng tôi khó có thể tưởng tượng ba lần tim ngừng đập, ngừng thở mà vẫn quay lại được với cuộc sống. Bởi bình thường, bệnh nhân khi ngừng tim hai lần, gia đình đã xin về nhà lo hậu sự", GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 chia sẻ.
Với bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã tổ chức hàng chục cuộc hội chẩn trực tuyến liên viện với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp... Từ các cuộc hội chẩn này, các phương án điều trị tích cực nhất cho người bệnh được đưa ra, vừa điều trị Covid-19, vừa giải quyết bệnh lý nền (rối loạn tiền đình) của người bệnh.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của các y, bác sĩ chăm sóc trực tiếp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sự hỗ trợ và hội chẩn thường xuyên bằng phương án điều trị phù hợp của Hội đồng chuyên môn, của các chuyên gia, đến nay, sau 81 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không rale...
... đến sự sống được hồi sinh
Trước khi mắc bệnh, ấn tượng của người phụ nữ 64 tuổi này về Covid-19 chỉ là bệnh "xa vời ở nước ngoài". Thậm chí, đến khi mắc bệnh phải nhập viện điều trị, bà nghĩ chắc tương tự các bệnh khác, chỉ điều trị ít ngày rồi về nhà. Thế nhưng không ngờ, bà lại là bệnh nhân được điều trị lâu nhất trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Chia sẻ về một cuộc sống mới sau khi bước qua cửa tử, bệnh nhân cho biết, lúc mới vào viện, bà vẫn ăn ngủ bình thường, thậm chí còn thấy ăn uống ngon miệng. Thế nhưng, sau đó, bà rơi vào trạng thái hôn mê lúc nào không biết. Một ngày tỉnh dậy, bà thấy mình đang phải thở ô xy và nằm phòng điều trị riêng biệt với các thiết bị xung quanh, người yếu, chân tay không nhấc nổi...
"Sau này nghe mọi người kể mới biết, bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi đáng sợ tới vậy. Thật may mắn, với sự nỗ lực và chuyên môn giỏi của các bác sĩ Việt Nam, tôi đã qua khỏi", bệnh nhân 20 chia sẻ.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 5 ca bệnh Covid-19 nặng, nhưng đến nay, tất cả bệnh nhân nặng đều đã khỏi bệnh. Đặc biệt, sự hồi sinh của bệnh nhân 20 được coi là một kỳ tích, bởi có những lúc tưởng chừng sự sống của bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng. Thế nhưng, với sự nỗ lực không ngừng của các y, bác sĩ, cuối cùng bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 còn 17 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị với sức khoẻ ổn định. Đây là những ca lây nhiễm nhập cảnh, được cách ly sau khi về nước.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, hôm nay là ngày ông rất vui, hạnh phúc và tự hào. Bởi các ca bệnh nặng được điều trị khỏi cũng là minh chứng rõ rệt để khẳng định với các đồng nghiệp ở trong và ngoài nước, Việt Nam đủ điều kiện chữa trị các trường hợp nặng mắc Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.