(HNM) - Chỉ còn hơn một tháng nữa, hơn 100.000 học sinh lớp 9 trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ bước vào “cuộc đua” tranh suất vào lớp 10 công lập với dự báo là khá căng thẳng.
Thận trọng chọn nguyện vọng
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019, toàn thành phố có hơn 105.000 học sinh lớp 9. Dự kiến, các trường trung học phổ thông công lập sẽ tuyển khoảng 70.000 em vào lớp 10. Mặc dù số học sinh lớp 9 năm học 2018-2019 tăng hơn so với năm học trước đó nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập không tăng và sẽ có khoảng 30.000 em không được học công lập.
Học sinh lớp 9 chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh. |
Học sinh sẽ lựa chọn ba nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập phù hợp với năng lực của bản thân. Những học sinh được dự xét tuyển phải thi đủ ba bài thi và không bài nào bị điểm 0. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba bài thi (ngữ văn, toán hệ số 2; ngoại ngữ hệ số 1) và điểm ưu tiên. Kỳ thi lớp 10 sẽ diễn ra trong các ngày 2,3-6.
Để giành một suất học công lập, nhiều học sinh phải chạy đua vào cuộc ôn luyện cam go. Tuy nhiên, học sinh cần tỉnh táo trong việc chọn nguyện vọng, yếu tố quyết định lớn trong việc đỗ hoặc trượt. Thầy Nguyễn Minh Tiến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dương Bá Trạc cho biết, việc đỗ hay trượt lớp 10 không phụ thuộc hoàn toàn vào học lực tốt hay không mà có thể do học sinh đánh giá năng lực chưa phù hợp với nguyện vọng. Phụ huynh và học sinh cần xác định được năng lực bản thân các em để có định hướng và lựa chọn hợp lý.
Ông Trần Đức Tài, phụ huynh có con đang học lớp 9, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận 3) cho hay, năm nay con ông đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai. Gia đình đã động viên, sát sao, hướng dẫn cháu căn cứ học lực của mình để chọn trường vừa sức.
Đẩy mạnh phân luồng
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, thành phố tiếp tục giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập để đến năm 2020, còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập. Những học sinh còn lại có thể lựa chọn các loại hình học tập khác phù hợp với năng lực như hệ thống trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề, cao đẳng... Hệ thống các trường này đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh.
Bên cạnh việc lựa chọn cho con thi vào lớp 10 các trường công lập, nhiều phụ huynh đã hướng cho con chọn học ở các trường như trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề. Đơn cử, em Nguyễn Thu Hiền (học sinh Trường Trung học cơ sở Hoa Sen, quận 9) cho hay: "Em được ba mẹ chở đi tìm hiểu Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Sau khi tham quan 20 xưởng nghề, em nghĩ mình sẽ lựa chọn học nghề thay vì vào lớp 10 trung học phổ thông. Khả năng học tập của em không xuất sắc, trong khi em rất thích nấu ăn, mong muốn được trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Học nghề đầu bếp, em vẫn có kiến thức văn hóa như các bạn học trung học phổ thông mà vẫn theo đuổi được đam mê của mình".
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường học thực hiện công tác hướng nghiệp không chỉ cho học sinh lớp 9 mà cho cả phụ huynh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, vài năm trở lại đây, phụ huynh đã có cái nhìn thay đổi về các trường trung cấp, cao đẳng có tuyển sinh hệ trung cấp. Các trường này đang nỗ lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trung tâm đang định hướng xây dựng theo mô hình trường phổ thông nghề. Bên cạnh việc được trang bị kiến thức 8 môn cơ bản của chương trình phổ thông theo quy định, học sinh sẽ được trang bị chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ tin học bảo đảm theo tiêu chuẩn nghề...
Trên thực tế, hình thức học trung cấp đang có nhiều ưu điểm: Học sinh được miễn học phí, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên bậc cao hơn... Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho hay, thị trường lao động chỉ còn 8 cấp bậc trình độ, gồm 3 bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và sau thạc sĩ. Dù các em học trung cấp, cao đẳng hay học trung học phổ thông từ trung học cơ sở thì trình độ hiểu biết văn hóa của các em đều như nhau, đều có điều kiện để học lên các bậc cao hơn. Các em hãy tìm hiểu kỹ năng lực, sở trường của chính mình để lựa chọn bậc học phù hợp nhằm phát huy tốt nhất khả năng của bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.