Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022: Hà Nội quyết tâm nâng chất lượng

Thống Nhất| 05/05/2022 06:07

(HNM) - Từ nay đến ngày 13-5 là khoảng thời gian học sinh trên cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Với mục tiêu nâng tỷ lệ và chất lượng tốt nghiệp ở mức cao nhất, tạo sự đồng đều về chất lượng giữa hệ trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, ngành Giáo dục Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh. Bảo đảm quyền lợi dự thi, quan tâm đến học sinh khó khăn hoặc học yếu, giúp các em tự tin, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi là quyết tâm của toàn ngành.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Bảo đảm quyền lợi dự thi

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7. Thành phố Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất trong cả nước, với gần 110.000 học sinh. Với tinh thần bảo đảm quyền lợi dự thi cho học sinh, thời điểm này, các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố đang tích cực hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi đúng tiến độ.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương, nhà trường đặc biệt lưu ý với học sinh về những quy định mới của kỳ thi năm nay, trong đó có yêu cầu tất cả học sinh phải đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn. Nhà trường cũng chuẩn bị phòng máy tính, thành lập bộ phận hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình đăng ký dự thi.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì (huyện Ba Vì) Nguyễn Thành Long, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đăng ký dự thi của học sinh; đồng thời giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm là đầu mối, bảo đảm mọi học sinh đều được hỗ trợ tốt nhất. Nhà trường cũng hỗ trợ để tất cả học sinh đều có căn cước công dân, phục vụ cho việc đăng ký dự thi đúng quy định.

Em Nguyễn Thu Trang, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Năm nay chúng em được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên bớt lo lắng hơn những năm trước. Chúng em cũng được nhà trường tổ chức cho tập dượt cách đăng ký dự thi trước khi đăng ký chính thức...". 

Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Tích cực hỗ trợ học sinh

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2021, tỷ lệ tốt nghiệp có sự phân hóa khá lớn giữa các đơn vị. Trong khi nhiều trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, thì vẫn còn một số trường chỉ đạt hơn 70%. Nỗ lực hỗ trợ học sinh có học lực từ trung bình trở xuống và học sinh gặp khó khăn, giúp các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi là quyết tâm của toàn ngành.

Năm 2021, một học sinh của Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) đạt 24,0 điểm ở tổ hợp xét tuyển đại học, song lại không thể bước chân vào giảng đường đại học do có một môn thi bị điểm liệt, nên trượt tốt nghiệp. “Từ việc này, nhà trường quán triệt tới học sinh, phụ huynh học sinh là không được chủ quan với tất cả các môn của kỳ thi, tổ chức ôn tập đồng đều, không học lệch, học tủ. Năm nay, nhà trường đã rà soát, xác định có 22 học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp và 6 học sinh khuyết tật. Tất cả những học sinh này được tổ chức thành lớp ôn tập riêng, do trực tiếp thầy hiệu trưởng làm chủ nhiệm lớp, quyết tâm giúp học sinh tự tin đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh Lê Ngọc Hoa cho hay.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông FPT (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Tân cho biết, vào năm học lớp 11, ngoài các môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, nhà trường hướng dẫn học sinh lựa chọn bài tổ hợp và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Hằng tháng, nhà trường tổ chức thi khảo sát chất lượng để phân loại, có biện pháp hỗ trợ học sinh theo nhóm; một số học sinh yếu được kèm riêng.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Phạm Thị Thu, căn cứ kết quả khảo sát học sinh toàn thành phố vừa qua, trung tâm phân công giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Từ nay tới trước ngày thi, bên cạnh việc giám sát chất lượng, trung tâm còn phối hợp với gia đình để có biện pháp hỗ trợ những em trong diện có nguy cơ trượt tốt nghiệp, phấn đấu đạt tỷ lệ tốt nghiệp ở mức cao nhất.

Với quyết tâm nâng cao tỷ lệ và chất lượng tốt nghiệp ở cả hệ trung học phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường tổ chức ôn tập tích cực để trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, bảo đảm quyền lợi dự thi cho học sinh, không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể dự thi.

“Các đơn vị cũng cần nghiêm túc xem xét, quyết định điều kiện dự thi của từng học sinh, nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định, thì dứt khoát không được dự thi và thông báo công khai, minh bạch để gia đình học sinh nắm rõ”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Một số mốc thời gian học sinh cần nhớ:

- Ngày 13-5: Hạn cuối học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Chậm nhất ngày 24-6: Học sinh nhận giấy báo dự thi.

- 14h ngày 6-7: Học sinh đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi.

- Ngày 7 và 8-7: Học sinh dự thi theo lịch.

- Ngày 24-7: Công bố kết quả thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022: Hà Nội quyết tâm nâng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.