Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi năm 2005: Có thể sẽ hoãn thi bằng trắc nghiệm

THUHANG| 21/01/2005 11:43

(HNMĐT) - Theo nguồn đáng tin cậy từ Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, tuy chưa có kết luận chính thức của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhưng phương án thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ năm nay có thể sẽ hoãn lại. Nguyên nhân là nhiều ý kiến cho rằng quyết định thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học bằng trắc nghiệm trong năm 2005 là quá vội vàng.

(HNMĐT) - Theo nguồn đáng tin cậy từ Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, tuy chưa có kết luận chính thức của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhưng phương án thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ năm nay có thể sẽ hoãn lại. Nguyên nhân là nhiều ý kiến cho rằng quyết định thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học bằng trắc nghiệm trong năm 2005 là quá vội vàng.

Theo hướng dẫn của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục & Đào tạo thì làm bài thi trắc nghiệm là "học gì thi nấy", chỉ cần nắm chắc kiến thức là làm được bài, thậm chí không cần phải đi học thêm. Cục cũng đã gửi văn bản tới các trường trên cả nước hướng dẫn chi tiết cách làm bài thi trắc nghiệm, phiếu làm bài mẫu... để các trường cho học sinh tập làm quen. Trên thực tế thì hình thức thi trắc nghiệm đã chiếm khoảng 40 - 60% trong các đề thi môn Ngoại ngữ trước đây.Phương pháp trắc nghiệm khách quan cũng không còn xa lạ với cuộc sống hàng ngày, nhất là qua các chương trình đố vui, giải trí trên HTV, VTV3...Tuy nhiên, khi trắc nghiệm trở thành môn thi quan trọng, được áp dụng đại trà trong tốt nghiệp, tuyển sinh, thì lại là cả một vấn đề.Điều khiến các trường, các thí sinh và phụ huynh băn khoăn lo lắng là bài thi trắc nghiệm sẽ được ra như thế nào? Phạm vi kiến thức ra sao? Ngay cả các thầy cô giáo, khi được hỏi, cũng cho biết chưa hề được tập huấn thi và chấm thi, thậm chí cả hình thù bài trắc nghiệm ra sao cũng chưa được xem.

Ngày 18-1-2005, khi Hànộimới Điện tử hỏi một số trường trong địa bàn Hà Nội về việc triển khai thi trắc nghiệm, thì một số hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, Yên Hòa... cho biết "vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về thi trắc nghiệm, thậm chí chưa nhận được bài thi mẫu, nên chưa có gì để nói cả", không thể "cầm đèn chạy trước ôtô" vì tuythông báo của Bộ GD&ĐT gửi đến các Sở, trường, ghi chi tiết là sẽ gửi các bài thi mẫu cho các trường trong tháng 1-2005, nhưng hiện nay, gần hết thời hạn quy định, còn mấy ngày nữa là nghỉ tết Nguyên đán, vậy mà các trường vẫn chưa hề nhận được một chút thông tin, chỉ thị gì, trong khi đó tháng 4, tháng 5, học sinh đã phải chuẩn bị thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi đại học, mà không phải chỉ có một môn Ngoại ngữ. Các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội - trung tâm Thủ đô, cách trụ sở Bộ có vài cây số còn như vậy, huống chi hàng ngàn trường THPT vùng sâu vùng xa, của 64 tỉnh thành trong cả nước ?

Trang diễn đàn (http://diendan.edu.net.vn/) của Bộ GD&ĐT liên tiếp trong mấy ngày nay đang nóng lên vì những bức xúc, băn khoăn, hoang mang, lo lắng trao đổi xung quanh vấn đề nên hay không nên thi trắc nghiệm vào năm 2005? Trong số nhiều ý kiến không tán thành, có cả những giáo viên, cán bộ giáo dục, quản lý giáo dục.

Ông Lê Quán Tần - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh cũng cho rằng cần thận trọng khi áp dụng phương pháp này ngay trong năm 2005. Theo ông, nhất thiết phải cho học sinh tập dượt qua một số lần làm bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ ở cấp THPT, ít nhất cũng là ở lớp 12 bằng phương pháp trắc nghiệm 100%, tức là từ hình thức thi, câu hỏi, đáp án, đến cách chấm điểm để học sinh rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Cương - giáo viên nghỉ hưu, mặc dù cũng đánh giá cao phương pháp thi trắc nghiệm, nhưng cho rằng nếu áp dụng ngay trong năm 2005, khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo, sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho học sinh. Mặt khác, nếu không đánh giá chính xác được trình độ của học sinh, thì cũng không thể có những biện pháp hữu hiệu để cải tiến trong giảng dạy và thi cử các năm tiếp theo được.

Đổi mới thi tuyển bằng phương pháp thi trắc nghiệm được đánh giá là hay, nhiều ưu điểm, được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này trên diện rộng, đại trà, thì Bộ GD&ĐT cần phải có một chiến lược cụ thể, lâu dài, thông qua các bài kiểm tra bình thường trong năm, thông qua hệ thống bài tập trong sách giáo khoa từ các lớp, các cấp, để cho học sinh làm quen dần, để có sự chuẩn bị chu đáo cho một kỳ thi có tính chất quan trọng như tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho học sinh.

Tuy nhiên, có thi trắc nghiệm trong năm 2005 hay không, còn trông chờ vào quyết định của Bộ trưởng vào ngày 1-2-2005.

Thu Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi năm 2005: Có thể sẽ hoãn thi bằng trắc nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.