(HNM) - Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ngoài việc đưa cán bộ và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã đưa hàng vạn con em cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa để nuôi dạy trong các trường nội trú dành riêng cho họ.
Đó là các trường học sinh miền Nam ở miền Bắc - một mô hình giáo dục đặc biệt. Đây là những “hạt giống đỏ” mà đồng bào miền Nam đã tin tưởng gửi gắm ở Đảng, Bác Hồ, nhân dân miền Bắc trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Nhờ đó, sau khi non sông được thu về một mối, những học sinh miền Nam này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho đến nay. Tiêu biểu là các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân…
Cách đây 65 năm, vào cuối năm 1954, tôi được tập kết ra miền Bắc, vào học ở trường nội trú học sinh miền Nam. Đến tháng 8-1963, tôi và 99 học sinh miền Nam đầu tiên được Bộ Công an tuyển chọn vào học ở Trường C500 (nay là Học viện An ninh). Tôi đã có hai lần vinh dự được trực tiếp gặp Bác Hồ (vào năm 1964 ở Trường C500 và mùng Một Tết năm 1965 khi tôi là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh)...
Năm 1965, tôi cùng nhiều anh em được Bộ Công an cử sang nước Cộng hòa Dân chủ Đức học nghiệp vụ công an. Khi chúng tôi về nước cũng là lúc lãnh đạo Bộ mời chuyên gia nước Cộng hòa Dân chủ Đức sang giảng dạy nghiệp vụ kỹ thuật hình sự cho công an các địa phương trên toàn miền Bắc lúc bấy giờ. Thời gian học mỗi khóa là 6 tháng, học tại Trường Công an trung ương, nay là Học viện An ninh… Tôi và 5 học viên vừa học ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức về được Bộ Công an cử làm trợ giảng cho các chuyên gia.
Khóa 1 của lớp nghiệp vụ do chuyên gia nước Cộng hòa Dân chủ Đức giảng dạy được 3 tháng thì Bác Hồ mất (năm 1969). Sau Quốc tang 3 ngày, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Đồng chí Bộ trưởng đưa ra một tập tài liệu và nói: “Đây là 3 bản Di chúc của Bác Hồ để lại cho chúng ta. Tôi đề nghị các đồng chí vận dụng những kiến thức đã học để chụp 3 bản Di chúc này đạt kết quả tốt nhất”. Quay về phía Thiếu tá Trần Đức Trường (lúc bấy giờ là Trưởng khoa Nghiệp vụ Trường Cảnh sát, được cử làm Tổ trưởng tổ trợ giảng của chúng tôi, sau này đồng chí là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân), Bộ trưởng bảo: “Tôi giao anh Trường trực tiếp quản lý và bảo quản 3 bản Di chúc này theo chế độ tài liệu tuyệt mật. Đây là tài sản vô giá Bác Hồ để lại cho chúng ta và con cháu đời sau…”.
Tiếp đó, đồng chí Bộ trưởng giở từng bản Di chúc, giới thiệu nội dung và xuất xứ. "Năm 1965, sau lần bị ốm mệt, do cảm thấy sức khỏe không còn được như trước nên Bác viết Di chúc phòng khi bất trắc (bản đánh máy đề ngày 15-5-1965). Trong lần họp Bộ Chính trị gần nhất sau ngày viết Di chúc, Bác Hồ đưa bản Di chúc ra và nói: Hiện nay sức khỏe của tôi không được tốt, phòng khi bất trắc, tôi viết sẵn mấy lời này để lại cho toàn Đảng, toàn dân… Đề nghị đồng chí Bí thư Thứ nhất ký chứng kiến vào đây… Ngay khi ký xong, đồng chí Lê Duẩn cất chiếc phong bì có bản Di chúc của Bác đã được dán kín vào két sắt bảo mật trước sự chứng kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị" - Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn kể.
Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói tiếp: "Từ hôm đó đến khi Bác mất, Bộ Chính trị đinh ninh rằng Bác Hồ của chúng ta chỉ để lại có bản Di chúc do tự Bác đánh máy mà đồng chí Lê Duẩn đã ký chứng kiến. Mãi đến khi Bác mất được khoảng 1 giờ thì đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác mới đưa ra một phong bì còn dán kín cho đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị (đang họp bàn việc tổ chức tang lễ Bác) và nói đại ý: “Cuối tháng 5 vừa rồi (năm 1969), Bác có đưa tôi chiếc phong bì này và dặn cất kỹ, chỉ sau khi Bác mất khoảng 1 giờ mới đưa cho đồng chí Bí thư Thứ nhất và Bộ Chính trị. Nay tôi xin làm theo ý nguyện của Bác… Đó chính là bản Di chúc tự tay Bác viết mà tôi đang cầm trước mặt các đồng chí đây…”.
Sau khi đọc kỹ các bản Di chúc của Bác để lại, Bộ Chính trị quyết định sẽ công bố công khai và chính thức bản Di chúc viết tay của Bác. Do đây là bản Di chúc tự tay Bác viết (không qua đánh máy và ký chứng kiến của đồng chí Bí thư Thứ nhất) nên nó vừa có giá trị pháp lý, vừa có tính thuyết phục cao… Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phân tích, các bản Di chúc này có 3 điểm khác nhau cơ bản: Thứ nhất là khác nhau về thời gian viết (các năm 1965, 1968, 1969); thứ hai là về hình thức thể hiện (hai bản trước đánh máy, bản sau cùng là bút tích của Bác); thứ ba là ở bản tự tay Bác viết (ngày 10-5-1969) ghi: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Đồng chí Bộ trưởng đã giải thích: Sau Tết năm 1969, có một lần Bác bị mệt nặng, cả Bộ Chính trị vào thăm Bác. Khi đã đông đủ, đồng chí Lê Duẩn ra hiệu mọi người đứng hàng ngang bên giường bệnh của Bác. Sau đó, đồng chí Lê Duẩn tiến lên phía trước gần Bác hơn và thưa: Thưa Bác, tình hình sức khỏe Bác ngày một yếu, chúng cháu rất lo… Hôm nay, tập thể Bộ Chính trị xin phép Bác, nếu Bác có mệnh hệ nào thì chúng cháu xin được lưu Bác lại bởi vì nhân dân ta rất nhiều người chưa được gặp Bác, nhất là đồng bào và chiến sĩ miền Nam suốt mấy chục năm trường kiên cường chiến đấu để mong có ngày được gặp Bác… Đồng chí Lê Duẩn sợ Bác ngắt lời nên đoạn sau đồng chí ấy nói nhanh và thiết tha… Khi nghe đến đoạn đồng bào chiến sĩ miền Nam mong được gặp Bác thì Bác khóc và từ từ quay mặt vào tường không nói gì…
Chúng tôi ngồi im phăng phắc, nghe như nuốt từng lời đồng chí Bộ trưởng nói về Di chúc của Bác, về những ngày cuối cùng trước lúc Bác đi xa…
Kỷ niệm trên đã in đậm trong ký ức tôi. Đặc biệt là những ngày tang lễ Bác, về Di chúc của Bác Hồ, niềm vinh dự của chúng tôi là một trong những cán bộ công an đầu tiên và cũng là những học sinh miền Nam đầu tiên được trực tiếp cầm trên tay bản Di chúc của Bác. 3 anh em cùng tôi được giao nhiệm vụ chụp ảnh Di chúc của Bác lần đó sau này đều hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, hiện đã về hưu; đó là anh Trần Hồng Châu và anh Đào Xuân Ca đang sống tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; anh Nguyễn Quốc Trân đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Bác đi xa, để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, chúng tôi luôn tự hào và vinh dự về nhiệm vụ đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.