Chính trị

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Ý Đảng hòa quyện lòng dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mớiBài 4: Nông thôn Thủ đô giàu đẹp, văn minh

Nguyễn Mai 23/01/2025 - 06:17

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những nhiệm kỳ gần đây, Thành ủy Hà Nội thường xuyên ban hành chương trình toàn khóa về lĩnh vực này.

“Ý Đảng hòa quyện lòng dân”, sau 4 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", nhiều chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành và vượt kế hoạch, đưa nông thôn Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp vào thành tựu chung của Thủ đô và đất nước trong 95 năm có Đảng.

doan-duong.jpg
Diện mạo nông thôn khang trang tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Ảnh: Quốc Toản

Tám dấu ấn nổi bật

Hòa trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, những ngày này, khắp các vùng quê Hà Nội người dân đang náo nức, hân hoan chung tay dựng xây nông thôn ngày càng đổi mới. Là địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xa trung tâm Thủ đô, những năm gần đây, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) đã có những bứt phá mạnh mẽ. Minh Quang hôm nay có hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, hiện đại. Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha cho biết, địa phương vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các thôn trên địa bàn xã đều có mô hình phát triển kinh tế rất tốt, như: Thôn Lặt phát triển dịch vụ, thôn Minh Hồng phát triển làng nghề miến dong, thôn Xuân Thọ và thôn Pheo có truyền thống trồng rau… Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/năm và xã không còn hộ nghèo.

Không chỉ với Minh Quang, những đổi thay đến với khắp các địa phương ngoại thành của Hà Nội. Dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 không chỉ được nhắc tới với hạ tầng khang trang mà đã có bước chuyển lớn trong chuyển đổi số xây dựng thôn thông minh, xã thông minh với những nông dân số.

Tại thôn Du Nội (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh), thực hiện mô hình “thôn thông minh”, thôn đã thiết lập 12 nhóm Zalo của các cụm dân cư. Ngoài ra, thôn có các nhóm Zalo cộng đồng do công an khu vực quản lý để tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tiếp nhận phản ánh của nhân dân. Ông Nguyễn Lương Hùng (thôn Du Nội) phấn khởi cho biết: Nhà văn hóa thôn đã được trang bị wifi kết nối internet miễn phí, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cũng tại nhà văn hóa có tủ sách điện tử được thiết kế giao diện 3D, tích hợp trên website của thôn với 1.000 đầu sách miễn phí, thuận tiện cho người dân đọc mọi lúc, mọi nơi…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, sau 4 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, Hà Nội đã đạt được 8 dấu ấn nổi bật. Đó là, thành phố đã có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành trước 2 năm); 235 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 79 xã; 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 33 xã so với kế hoạch. Thành phố Hà Nội cũng tiến gần mục tiêu “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”, khi 3 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 huyện: Đông Anh, Thanh Oai đang trình Trung ương xem xét, công nhận.

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội dẫn đầu cả nước với 3.317 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra. Hà Nội đang xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại giá trị hơn 2 tỷ USD/năm. Năm 2024, có 2 làng nghề đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước là gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Đến hết năm 2024, Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, hoàn thành trước 1 năm kế hoạch đề ra.

Hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố được đầu tư đồng bộ; 100% tuyến đường giao thông liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số thôn, làng có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; 86,3% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên và 95% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung. Hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội vẫn tiếp tục lan tỏa, đi vào chiều sâu, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung xây dựng các “thôn thông minh”, hướng tới “xã thông minh”, đây là những khác biệt trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU so với giai đoạn trước…

Vượt khó, sáng tạo trong cách làm

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, thành phố đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong 4 năm qua, có tới 2 năm Hà Nội phải ứng phó với đại dịch Covid-19 và 1 năm đương đầu với sự tàn khốc của thiên tai bởi cơn bão số 3 - Yagi (tháng 9-2024). Với tinh thần chủ động, quyết liệt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, trong các năm đã đạt mức tăng trưởng bình quân từ 2,5% đến 3%/năm, đứng trong tốp đầu cả nước.

Có được kết quả trên là do các cấp ủy, chính quyền của thành phố đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU một cách nghiêm túc, bài bản, có nhiều sáng tạo. Ngay sau khi Chương trình số 04-CTr/TU được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo và triển khai các kế hoạch tổ chức thực hiện. Đồng thời, HĐND thành phố đã kịp thời ban hành 5 nghị quyết quan trọng về bố trí, phân bổ ngân sách thực hiện chương trình; về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. UBND thành phố cũng đã ban hành 12 kế hoạch và quyết định liên quan để triển khai thực hiện.

Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU thường xuyên kiểm tra tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban định kỳ để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở nhằm hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch. Trong 4 năm qua, toàn thành phố đã huy động được gần 87.000 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch; trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 4.000 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với những đầu tư từ ngân sách nhà nước, ở hầu hết các địa phương, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu đều đã huy động được sự chung sức rất lớn của người dân. Ông Hà Văn Tuyến, Bí thư Chi bộ thôn Kiều Mộc (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) chia sẻ: Năm 2023, thôn đã vận động nhân dân ủng hộ 1,5 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường. Năm 2024, thôn vận động đồng bào công giáo đầu tư cải tạo các nhà thờ trị giá khoảng 600 triệu đồng. Những ngày này, nhân dân trong thôn đang hân hoan chuẩn bị đón Tết cổ truyền lại càng vui hơn khi cổng làng được xã hội hóa xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng hoàn thành là điểm nhấn của làng quê.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, từ năm 2023 đến hết năm 2024, huyện thu được gần 2.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng nông thôn. Với nguồn kinh phí đó, huyện ưu tiên đầu tư các trạm y tế, cơ sở vật chất cho giáo dục, xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông... Lũy kế đến nay, Mỹ Đức có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu về số xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cho cả giai đoạn 2021-2025 huyện đề ra và thành phố giao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ của chương trình đề ra trong năm 2025, xây dựng khu vực nông thôn trở thành miền quê đáng sống, giàu đẹp, văn minh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Ý Đảng hòa quyện lòng dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới Bài 4: Nông thôn Thủ đô giàu đẹp, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.