LTS: Sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, trải qua kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975-2025). Và giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại - Đại hội XIV của Đảng. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết: “Ý Đảng hòa quyện lòng dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”.
Bài 1: Tinh gọn bộ máy để vững bước “vươn mình”
Với mục tiêu xây dựng bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", ngay trong những ngày đầu năm 2025, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã có những chuyển động mạnh mẽ nhằm đưa chủ trương lớn của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Với phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được tiến hành nhanh, mạnh mẽ và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương với kỳ vọng tạo nền tảng bền vững nhằm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tinh giản bộ máy cồng kềnh
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành. Các địa phương cũng đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, còn 46.385 đơn vị. Năm 2023 đã tinh giản biên chế 7.151 người.
Những kết quả trên là đáng ghi nhận, song thực tế cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương. Việc thực hiện tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung. Vì thế, tinh giản chỉ tập trung giảm số lượng mà chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai, hay triển khai hình thức trên thực tế. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…Từ thực tiễn này, Tổng Bí thư đã yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm, các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.
Ngày 30-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp trao quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho 13 cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương. Đây là bước khởi đầu quan trọng, thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc; sự gương mẫu, quyết liệt để các bộ, ngành và các địa phương học tập và làm theo.
Ngay sau đó, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm đã 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại Hà Nội, theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, sau sắp xếp, thành phố còn 18 sở và cơ quan tương đương. Hà Nội cũng đề xuất hợp nhất Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố. Đề xuất giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan…
Theo phương án trên, sau sắp xếp thành phố sẽ có 18 sở và cơ quan tương đương sở; theo đúng chỉ đạo định hướng tại văn bản ngày 18-12-2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Chính phủ.
Xây dựng nền hành chính công năng động, hiện đại, thân thiện
Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), năm 2013, Quốc hội đã lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức; truy đến cùng xem có đúng là “1/3 công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về” không. Tuy nhiên, đây là câu hỏi rất khó để trả lời.
Nhưng sau nhiều năm, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ vẫn nhận định, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định, việc tinh gọn bộ máy lần này như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là một cuộc cách mạng. Muốn đạt hiệu quả thì phải làm đến cùng và triệt để. Việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thành công hơn gấp bội nếu chúng ta đồng thời thực hiện cả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc tinh gọn tổ chức bộ máy cần chú ý không thực hiện một cách cơ học. Nếu vẫn tư duy theo “lối mòn” giảm đầu mối nhưng cơ cấu tổ chức bên trong, đội ngũ cán bộ, công chức chỉ là số cộng đơn giản vào tổ chức mới, số lượng vẫn nguyên thì gây ra lãng phí và sẽ dẫn đến câu chuyện không thay đổi gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cái khó nhất hiện nay trong tinh gọn bộ máy là vấn đề đổi mới tư duy và thống nhất về tư tưởng, nhận thức; là sự dũng cảm, dám vượt lên trên bản thân mình, từ bỏ các lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của đất nước và của dân tộc. Nếu vô tư, khách quan, công minh và biết hy sinh thì sẽ làm được điều này, còn nếu việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì sẽ lại đi vào lối mòn “nửa vời”, kết quả không như mong đợi.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, một trong những trọng tâm của công cuộc đổi mới là cải cách để tinh gọn bộ máy. Tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tinh gọn bộ máy đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thiểu lãng phí và tạo ra một nền hành chính công năng động, phản ứng nhanh chóng với nhu cầu phát triển của xã hội, hướng đến mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, và thân thiện hơn với người dân và doanh nghiệp. Việc tinh gọn bộ máy còn tạo điều kiện để chuyển nguồn lực từ các cơ cấu kém hiệu quả sang lĩnh vực cần thiết hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những việc làm cụ thể cần thực hiện trong quá trình triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đó là việc đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất; có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Trích lại lời của lãnh tụ V.I Lênin khi nói về cải tiến bộ máy nhà nước đã nhấn mạnh: “Phải tuân theo quy tắc: thà ít mà tốt”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng việc xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp… Tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.