“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những giá trị truyền thống sâu sắc của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng quá khứ, ghi nhớ công lao của tổ tiên, các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với công cuộc giữ nước và dựng nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu mà còn phát triển, thực hành và giáo dục đạo lý ấy thành một đặc trưng văn hóa của người Việt. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và vươn mình của dân tộc, bản sắc ấy đang được giữ gìn và tỏa sáng.
Nói về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đây được coi là đạo lý lâu đời, cốt lõi của người Việt. Từ hàng ngàn năm qua, người Việt có phong tục thờ cúng tổ tiên, lập bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình. Vào các dịp lễ Tết, giỗ chạp, con cháu tụ họp cúng bái, thể hiện lòng thành kính và gắn kết gia đình dòng tộc.
Một trong những ngày lễ lớn của người Việt là lễ Vu lan báo hiếu - dịp nhắc nhở đạo lý hiếu nghĩa với cha mẹ. Trên tinh thần những đạo lý ấy, sinh thời Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhằm nhấn mạnh lòng biết ơn và trách nhiệm gìn giữ, phát huy thành quả của thế hệ đi trước. Người coi đó là một phẩm chất đạo đức cơ bản của người cách mạng và là nền tảng để xây dựng xã hội đoàn kết, nhân văn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên gửi thư, phát biểu động viên thương binh, gia đình liệt sĩ, coi việc đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc. Người nhấn mạnh giáo dục đạo lý này trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, dạy các em biết: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, “Kính già, yêu trẻ”, “Biết ơn những người đi trước”. Quan điểm của Người là: Muốn tương lai tốt đẹp, thế hệ sau phải ghi nhớ công lao thế hệ trước và hành động thiết thực để đền đáp.
“Uống nước nhớ nguồn” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh không chỉ dành cho những người có công với cách mạng mà mở rộng ra toàn xã hội, cổ vũ lòng nhân ái, tình nghĩa giữa người với người.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài”, điều kiện kinh tế rất khó khăn mà chúng ta phải chiến đấu chống lại một đế quốc hàng đầu thế giới, được trang bị vũ khí hiện đại, có thể nói đây là cuộc chiến không cân sức, chỉ có niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa mới hy vọng giành được chiến thắng.
Trong những năm đầu kháng chiến, nhiều chiến sĩ đã hy sinh hoặc bị thương tật, để lại những mất mát lớn cho gia đình và toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước thấy cần phải có một ngày để ghi nhận và tưởng nhớ công lao to lớn ấy. Ngày 27-7-1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - Khu ATK Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Họ là những người con rất quý báu của Tổ quốc...”.
Từ đó, ngày 27-7 hằng năm được chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, ngày 27-7 được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức hằng năm trên cả nước. Sinh thời, cứ đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư cho cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng dặn việc chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ. Người cũng gửi thư, tặng quà, thăm các gia đình thương binh và viếng các nghĩa trang liệt sĩ.
Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Tháng 5-1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo “Di chúc” và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Kế thừa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc được Bác Hồ tổng kết và nêu gương, Nhà nước ta đã tổ chức phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là một hoạt động lớn mang tính xã hội sâu rộng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Phong trào được phát động sau ngày đất nước thống nhất (1975) và chính thức trở thành phong trào toàn quốc từ năm 1992, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trước hết là phong trào xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa. Không chỉ Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc mà còn có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phong trào “Nhà tình nghĩa” đã lan rộng khắp các địa phương, với sự tham gia của Nhà nước, tổ chức đoàn thể và người dân. Hàng trăm ngàn căn nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước, góp phần giúp các gia đình chính sách có nơi ở ổn định, an toàn và khang trang.
Một nghĩa cử khác cũng được triển khai hằng năm ấy là việc thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc thương binh - gia đình liệt sĩ. Vào dịp 27-7, Tết Nguyên đán, các cấp chính quyền và đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách. Thực hiện chế độ phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thông qua các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời.
Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng vận động nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ các hoạt động chăm lo người có công. Tu bổ nghĩa trang, bia tưởng niệm, công trình ghi công liệt sĩ, cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia, góp phần tôn vinh người có công và giáo dục truyền thống cách mạng.
Nhà nước cũng huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đời sống, việc làm, học tập, y tế cho người có công. Tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có công. Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em thương binh, liệt sĩ. Miễn giảm học phí, ưu tiên tuyển sinh cho con em gia đình chính sách.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, mà còn gìn giữ đạo lý truyền thống và phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết trong xã hội, đặc biệt là trong công cuộc mở cửa hội nhập quốc tế với sự du nhập của các dòng văn hóa từ nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.