Xã hội

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2025) Những tấm gương thầm lặng

Nam Phong 15/07/2025 07:05

Những ngày tháng Bảy, đất trời như lắng lại, lặng im trước những khúc tráng ca bất tử. Đây là khoảng thời gian mà cả nước tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để Tổ quốc được trường tồn, nhân dân được sống trong hòa bình.

Và cũng trong sự lặng lẽ ấy, có những con người thầm lặng chăm nom những phần mộ liệt sĩ với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn.

Buổi sáng vắng lặng, tôi rảo bước qua những hàng mộ ngăn nắp ở Nghĩa trang liệt sĩ Hiền Giang (xã Thường Tín). Hơn 70 ngôi mộ nằm tại đây đều là của những người con Hiền Giang đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc. Nghĩa trang liệt sĩ đang được dọn dẹp, quét vôi và làm mới lại. Không ngơi tay cắt đi những bụi cỏ, nhặt bỏ những chiếc lá úa vương trên mộ, ông Trần Hữu Huynh cho biết, ông cùng tất thảy người dân nơi đây đều đang từng ngày, từng giờ tôn bồi cảnh quan để nghĩa trang liệt sĩ trở thành chốn an nghỉ mát lành. Đã hơn 20 năm nay, ông Trần Hữu Huynh thầm lặng trông coi, chăm sóc khu nghĩa trang liệt sĩ. Ông coi việc “canh” giấc ngủ cho đồng đội là trách nhiệm của bản thân, là sự tri ân người ngã xuống vì đất nước.

Năm 1974, ông Trần Hữu Huynh nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 471. Địa bàn chiến đấu chính là chiến trường miền Đông Nam Bộ và chiến trường Campuchia. Năm 1978 ông Huynh xuất ngũ trở về địa phương. Năm 2001, ông tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã, đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nhân Hiền. Thời gian này, địa phương có chủ trương nâng cấp, cải tạo lại công trình nghĩa trang liệt sĩ, đưa phần mộ các liệt sĩ là con em quê hương về an nghỉ. Ông Huynh đã chủ động đề xuất với địa phương tình nguyện nhận trông coi nghĩa trang liệt sĩ của xã mà không cần bất cứ quyền lợi gì. Bản thân từng là người lính nên ông thấu hiểu nỗi đau chiến tranh. May mắn hơn những liệt sĩ ngã xuống, được trở về quê hương để tiếp tục cống hiến, xây dựng đất nước nên ông muốn tri ân thông qua việc trông coi nghĩa trang liệt sĩ.

Không riêng gì ông Trần Hữu Huynh, ở Thủ đô Hà Nội vẫn còn biết bao tấm gương âm thầm “canh” giấc ngủ cho các liệt sĩ, góp nhặt từng việc nhỏ để gìn giữ sự trang nghiêm cho những vùng đất thiêng.

Hơn 15 năm qua, dù nắng cháy hay mưa dầm, ở nghĩa trang liệt sĩ Hạ Mỗ (xã Ô Diên), luôn có bóng dáng một người nông dân cần mẫn, lặng lẽ quét dọn, chăm sóc cảnh quan, vun trồng cây xanh và gìn giữ từng phần mộ liệt sĩ. Đó là ông Nguyễn Ngọc Tùng (sinh năm 1969), người dân cụm 3 xã Ô Diên.

Ngày nào cũng vậy, ông âm thầm quét dọn, giữ cho khuôn viên nghĩa trang luôn sạch sẽ, thoáng đãng, chăm bón cây cối xanh tươi. Đối với ông, đó không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm thiêng liêng. Trong phút giây trò chuyện, khi nhắc tới những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc, giọng ông bỗng chùng xuống, ánh mắt ánh lên niềm xúc động nghẹn ngào. Ông nói: “Chúng tôi may mắn được sống trong cảnh đất nước hòa bình. Các anh nằm đây đã hiến dâng cả tuổi xuân, cả cuộc đời. Tôi chỉ mong làm chút việc nhỏ, để các anh an lòng nơi chín suối”. Gắn bó với nghĩa trang qua năm tháng, ông Tùng đã thuộc lòng từng tên tuổi, từng quê quán, từng phần mộ như chính ruột thịt của mình.

Tương tự, nhắc đến ông Nguyễn Quang Lai người dân ở xã Cổ Đô ai cũng biết đến người cựu chiến binh suốt 30 năm nay ân cần, thầm lặng với công việc trông nom, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Ông Lai nhập ngũ năm 1966, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1994, ông Lai tình nguyện đảm nhận công việc trông coi nghĩa trang liệt sĩ xã thay người cha đã khuất.

30 năm qua, hơn 200 phần mộ liệt sĩ của địa phương đã được ông cẩn thận chăm nom, hương khói. Ông Lai cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền nên nghĩa trang liệt sĩ được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp, cảnh quan hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tới thăm viếng. Được làm nhiệm vụ bảo vệ phần mộ cho các liệt sĩ là tự hào, vinh dự của cá nhân ông khi góp một phần công sức nhỏ bé của mình chăm sóc nơi yên nghỉ của đồng đội. Vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị đến thắp hương, tri ân các liệt sĩ, ông lại sắm vai “hướng dẫn viên” tận tình giới thiệu về nghĩa trang, kể chuyện truyền thống, nói về những đóng góp hy sinh to lớn của các liệt sĩ với độc lập, tự do của dân tộc.

Nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nơi yên nghỉ của những người con anh hùng đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, mà còn là biểu tượng thiêng liêng nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của hòa bình, của độc lập hôm nay. Và chính nhờ những con người âm thầm, lặng lẽ, những người ngày ngày “canh” giấc ngủ cho các liệt sĩ như ông Nguyễn Quang Lai, Nguyễn Ngọc Tùng, Trần Hữu Huynh..., mà nơi nghĩa trang liệt sĩ luôn được gìn giữ sạch đẹp, ấm áp tình người. Họ không mong đền đáp, không cần vinh danh, chỉ mong góp phần nhỏ bé để những người đã khuất được yên lòng. Những việc làm lặng thầm ấy chính là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhắc nhở chúng ta phải sống sao cho xứng đáng, phải biết tri ân, gìn giữ hòa bình, để những hy sinh ấy mãi mãi không bị lãng quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2025) Những tấm gương thầm lặng

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.