Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Nhật Hà| 04/04/2019 15:21

(HNMO) – Ngày 4-4, tại Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đón nhận Bằng Di tích quốc gia...


Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ cùng đại diện một số bộ, ngành, gia đình các cựu giảng viên, học viên của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng…

 Lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia đối với địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng


Tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu đã ôn lại những dấu mốc quan trọng của ngôi trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên tại Việt Nam, đặt ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào những ngày đầu tháng 4-1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, đã ra đời một ngôi trường tranh tre nứa lá mang tên “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”. Ban Giám đốc nhà trường do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định với đội ngũ giảng viên gồm 29 người đã tham gia công tác đào tạo, bao gồm những nhà báo kiêm chính trị gia nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường...

 Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng


Đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học làm báo tại trường, trong 3 tháng khóa học diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư động viên, dạy bảo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên... Trong thư có đoạn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".

Tiếp thu lời dạy của Người, trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 4-4-1949 đến ngày 6-7-1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt này. 42 học viên, hầu hết là cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác trong các cơ quan báo chí đến từ khắp mọi miền đất nước, sau khi tốt nghiệp đều trở thành các nhà báo, nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ trụ cột của nước nhà.

“Đây là dấu son trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta”, đồng chí Thuận Hữu đánh giá về sự ra đời và tồn tại của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đã trao Bằng Di tích quốc gia đối với di tích lịch sử địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cho Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trong dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam trưng bày chuyên đề: 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại khu Di tích quốc gia Hồ Núi Cốc với nhiều tư liệu, hiện vật quý lần đầu tiên được công bố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.