Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963 - 2/1/2023): Mở ra giai đoạn phát triển mới của cách mạng miền Nam

Thượng tá, Tiến sĩ LÊ QUÝ THI| 01/01/2023 07:01

(HNM) - Năm 1961, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Do vậy, chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963, là trận đánh mở đầu đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” trong chiến lược nói trên của Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở ra giai đoạn phát triển mới của cách mạng miền Nam.

1. Thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chính quyền Mỹ đề ra kế hoạch Staley - Taylor nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, bằng biện pháp tăng cường xây dựng lực lượng quân đội Sài Gòn, do cố vấn Mỹ cùng một số đơn vị quân Mỹ yểm trợ, chỉ huy tổ chức các cuộc càn quét, hòng đập tan lực lượng vũ trang cách mạng. Vấn đề thiết yếu và cấp bách đặt ra cho quân và dân miền Nam lúc bấy giờ là cần phải tìm ra cách đánh quỵ lực lượng cơ động của Mỹ và quân đội Sài Gòn trong các cuộc hành quân càn quét, nhằm làm thất bại các biện pháp gom dân, lập ấp chiến lược của đối phương.

Chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” nguy hiểm ở chỗ địch từ trên máy bay bất chấp địa hình và cả thời tiết yểm trợ cho xe thiết giáp M-113 có vỏ thép chống đạn, chở bộ binh tấn công đột phá vào trận địa quân ta. Bằng những nỗ lực chiến tranh điên cuồng, địch đã gây cho quân ta nhiều khó khăn và tổn thất. Do đó, việc đề ra chiến thuật mới để đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn là một yêu cầu cấp bách và sống còn của quân, dân miền Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo “Lực lượng vũ trang tập trung phải đứng lại đánh càn tiêu diệt địch mà tồn tại, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép, không thể tránh càn mà tồn tại”; đồng thời tổ chức huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật, nhất là kỹ thuật bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp M-113 bằng vũ khí thông thường.

Được tin đêm 31-12-1962, Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 của ta, từ Cống Quế (xã Mỹ Hạnh Đông) chuyển về đóng quân tại Ấp Bắc, một ấp nhỏ thuộc xã Tân Phú, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), cách thị xã Mỹ Tho 20km, ngày 2-1-1963, Mỹ và quân đội Sài Gòn liền huy động một lực lượng lớn có máy bay, xe lội nước, pháo binh từ nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy, đường không, tổ chức càn quét Ấp Bắc. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ, mưu trí, không hề nao núng trước sức mạnh uy hiếp của quân địch, quân và dân Ấp Bắc đã kiên quyết bám trụ đánh địch, chống càn. Dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hầm hào chuẩn bị sẵn, với mọi vũ khí trong biên chế, quân và dân Ấp Bắc lần lượt đánh bại tất cả các đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M-113, đánh chìm 1 tàu chiến, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét đầy tham vọng của địch.

Giá trị có ý nghĩa chiến lược của chiến thắng Ấp Bắc là đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam thành một cách đánh có hiệu quả. Đó là cách đánh “phòng ngự công sự, điểm tựa vòng tròn” để đánh bại địch tấn công theo lối “bủa lưới bao vây”, giành thắng lợi. Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm quý báu trong việc đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ.

2. Sau chiến thắng Ấp Bắc, ngày 25-3-1963, Trung ương Cục miền Nam quyết định phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam.

Phong trào phá ấp chiến lược diễn ra mạnh mẽ, từ năm 1961 đến năm 1963 chúng ta phá hoàn toàn 2.865/6.164 ấp, giành quyền làm chủ 12.000/17.000 thôn; giải phóng 5/14 triệu người. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân diễn ra rầm rộ với 90 triệu lượt người tham gia. Trên mặt trận quân sự, thắng lợi liên tiếp của chúng ta ở An Lão (Bình Định), Bình Giã (Bà Rịa); Ba Gia (Quảng Ngãi)… đã làm phá sản cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng được ta bằng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Bởi dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hầm hào, bố trí đội hình phòng ngự nhiều lớp để vừa có thể độc lập tác chiến, vừa chi viện cho nhau giữa các lực lượng, quân và dân Ấp Bắc đã chiến đấu ròng rã suốt 1 ngày, đánh bại tất cả các đợt tiến công của đối phương.

Sau trận Ấp Bắc, tờ New York Times số ra ngày 5-1-1963 cho rằng “là một điều đau đớn nhưng cần thiết để giảm bớt tư tưởng lạc quan” do những lời tuyên bố chính thức quá lạc quan của chính quyền Washington gây ra.

Với chiến thắng Ấp Bắc, quân và dân miền Nam đã chứng tỏ trên thực tế khả năng có thể đương đầu và đánh bại các hình thức chiến thuật mới của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chiến thắng đó có sức cổ vũ lớn lao toàn quân và toàn dân ta trên khắp chiến trường miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngay lúc bấy giờ đã đánh giá rằng: “Sau trận Ấp Bắc, địch thấy khó thắng ta”. Và, như vậy chiến thắng Ấp Bắc thực sự là trận đánh báo hiệu sự thất bại khó tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963 - 2/1/2023): Mở ra giai đoạn phát triển mới của cách mạng miền Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.