Thành phố Hồ Chí Minh với bề dày lịch sử và truyền thống năng động, sáng tạo, đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục hàng đầu của cả nước.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, chính quyền và người dân thành phố đã chung sức đồng lòng, dám nghĩ, dám làm vượt qua những khó khăn thời hậu chiến để vươn lên về mọi mặt trong tiến trình thống nhất cùng đất nước suốt 50 năm qua. "Luồng gió đổi mới" từ Đại hội VI của Đảng đã như tiếp thêm sức mạnh để thành phố phát huy tinh thần năng động, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ, thành phố là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như Liên hoan phim, Festival âm nhạc, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước với các màn biểu diễn đại thực cảnh độc đáo… Những sự kiện này đã tạo nên bản sắc độc đáo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và góp phần quảng bá hình ảnh đến bạn bè quốc tế.
Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho hay, sau khi thống nhất đất nước, ngành Giáo dục thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống cơ sở vật chất. Nhưng Nghị quyết Trung ương lần thứ hai, năm 1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố. Năm 2024, thành phố đã vinh dự được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu... Đến nay, thành phố đã 8 năm liên tiếp có điểm trung bình môn tiếng Anh thi tốt nghiệp trung học phổ thông dẫn đầu cả nước.
Đáng chú ý, thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới, chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến nay toàn thành phố đã triển khai 277 dự án với tổng số phòng học được xây dựng mới là 5.560 phòng, tổng mức đầu tư là 32.135.391 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đề án sẽ giúp cho thành phố hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm 100% học sinh tiểu học của thành phố được học 2 buổi/ngày, sĩ số học sinh/lớp đạt đúng chuẩn theo quy định, cũng như thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Về khoa học công nghệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng chia sẻ, từ năm 1997 đến nay, thành phố đã gặt hái nhiều "quả ngọt" với mô hình liên kết tam giác “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học”; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Công viên Phần mềm Quang Trung được coi là mô hình mẫu của cả nước trong quản lý ngành công nghệ cao; tăng cường liên kết hợp tác quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đứng đầu cả nước trong phát triển lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tổng giá trị các mô hình start-up đạt 5,6 tỷ USD.
Về phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đình Thắng cho hay, thành phố tập trung đầu tư và đào tạo vào các ngành ưu tiên, như: Công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vật liệu và tự động hóa, vi mạch, bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ năng lượng tái tạo và bền vững... Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh phát triển Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đề án kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia… Thành phố đặt mục tiêu lọt vào tốp 100 hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu vào năm 2030 và tốp 50 vào năm 2045.
Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục định kỳ tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc tế như triển lãm mỹ thuật, liên hoan phim, hội chợ sách, lễ hội quốc gia... nhằm ghi dấu ấn rõ nét cho thương hiệu về một thành phố sự kiện văn hóa của Việt Nam và khu vực. Thành phố tiếp tục triển khai Đề án phát triển ngành Công nghiệp văn hóa thành phố đến năm 2030 với trọng tâm là hoàn thành các thiết chế văn hóa cần thiết, làm nền tảng để ngành Công nghiệp văn hóa vận hành, khơi thông dòng chảy văn hóa từ truyền thống đến hiện đại…
Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, phấn đấu đến năm 2030, thành phố bảo đảm 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia... Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, như: Công nghệ thông tin truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, y tế, du lịch...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ, thành phố đã chứng tỏ vai trò là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục hàng đầu tại Việt Nam và đang bước trên con đường hội nhập quốc tế. Thành phố sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, giá trị này để củng cố nền tảng vững chắc, góp phần cho sự phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.