Chính trị

Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):Trước thời khắc của ngày toàn thắng

Thành Lâm 19/04/2025 16:53

Những ngày cuối tháng 4-1975, quân ta thần tốc tiến công, giải phóng các tỉnh dọc biển miền Trung với tốc độ mỗi ngày một tỉnh.

Khi quân đội Sài Gòn bị dồn về trung tâm đầu não cuối cùng, vùng ven Củ Chi - cửa ngõ quan trọng dẫn vào Sài Gòn, trở thành điểm nóng của những trận đánh quyết định.

giai-phong-mien-nam-9.jpg
Quân giải phóng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Đêm 25-4, Tiểu đoàn 2 chúng tôi trong đội hình Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3, rời khu vực Dầu Tiếng vượt sông Sài Gòn tiến vào vùng đất Củ Chi. Vào tới đây, không còn cảnh trinh sát lặng lẽ bám địch dẫn đường như trước, mà thay vào đó, du kích Củ Chi - những người con kiên trung của vùng “đất thép” - đã chờ sẵn, đón và dẫn chúng tôi về địa bàn. Tất cả đều là nữ du kích. Một cảm giác phối thuộc lần đầu với lực lượng địa phương thật ấm áp, khó tả.

Cả tiểu đoàn được vào thẳng một thôn. Bây giờ tôi cũng chẳng còn nhớ cụ thể là thôn gì, chỉ biết nơi đó thuộc Củ Chi. Mỗi đại đội về trú quân trong một xóm. Một trung đội trú quân nhờ tại hai nhà dân liền nhau. Chỉ có Ban chỉ huy đại đội được vào ở trong nhà, còn lính tráng ở tất ngoài sân vườn, trải nilon mà nằm chứ không mắc được võng. Vùng này an toàn nên du kích đi lại trên đường trong thôn đàng hoàng giữa ban ngày.

Chúng tôi nghỉ lấy sức và làm công tác chuẩn bị cho một trận chiến đấu mới. Các cơ số đạn được bổ sung tại chỗ. Các trung đội tổ chức lau súng đạn, gói thủ pháo và bộc phá, chủ yếu là bộc phá ống để phá hàng rào. Lúc này lính tráng chúng tôi chưa biết đơn vị mình sẽ đánh nơi nào.

Ngày hôm sau, chúng tôi được phép đi lại trong xóm, thuộc phạm vi trú quân của đại đội. Cuối xóm có một cái quán bán dưa hấu. Tôi dẫn cả trung đội hơn chục người đến đó. Lần đầu tiên sau mấy năm, chúng tôi tiếp xúc và giao dịch với dân bằng tiền. Chả là tôi có tờ 1.000 đồng tiền miền Nam, nhặt được sau trận đánh thị xã Tuy Hòa hồi đầu tháng. Khi đưa tờ tiền ra trả, mới biết là giá trị nó quá to, vì tất cả chúng tôi hơn chục người ăn thoải mái mà chỉ hết có 300 đồng, còn lại 700 đồng.

Suốt cả ngày 27-4, khi nằm trong vườn, tôi đã quan sát ngôi nhà nhỏ nằm kế bên vườn nhà mà trung đội tôi trú nhờ. Nhà có 4 mẹ con. Cô con gái lớn 14 tuổi, thêm hai đứa em còn bé, một trai, một gái. Đôi lần trong ngày, cô con gái đi qua sân ngôi nhà nơi chúng tôi trú quân. Tôi chú ý đến khuôn mặt trái xoan với vẻ đẹp đượm buồn. Phải thú thật rằng tôi đã hành quân qua nhiều làng quê đất Bắc, nhiều lần đi tiền trạm tìm nơi nghỉ đêm cho đơn vị, xin nhờ dân từ mái nhà để trú chân, gáo nước tắm giặt, thậm chí cả chút củi rạ để nấu cơm... Hầu hết các làng đều không còn thanh niên. Họ cũng đã ra chiến trường như chúng tôi. Trong làng chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Những người giúp đỡ bộ đội lúc đầu chủ yếu là các nữ dân quân... Những cũng nhờ quen các em nhỏ, tôi luôn nắm bắt nhanh tình hình trong thôn, dễ dàng tìm ra những nhà sẵn lòng cho bộ đội nghỉ nhờ.

Bây giờ tôi không còn nhớ tên cô bé 14 tuổi đất Củ Chi ấy, nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt to, đẹp và đượm buồn trên gương mặt rất đẹp của em. Rồi tôi biết tại sao mắt cô bé đượm buồn. Ba cô là một người lính Việt Nam Cộng hòa đã chết trận. Mẹ cô đang ốm. Thật lạ lùng là giữa vùng “đất thép” này, tưởng chừng chỉ toàn có quân ta, thế mà vẫn có người đi lính Cộng hòa. Có thể đó là lý do khiến du kích địa phương không cho chúng tôi vào ở nhờ nhà đó. Rồi tôi biết nhà cô bé đang hết gạo ăn, chỉ toàn ăn cháo. Vốn là người đa cảm, hay chạnh lòng trước cảnh khó của người khác nên tôi cứ thấy day dứt.

9h tối 27-4, đơn vị báo động hành quân ra trận. Tranh thủ lúc í ới tập hợp, tôi kéo nhanh Thanh Sai (người Hà Bắc), một chiến sĩ cùng trong trung đội tôi, chạy sang nhà cô bé 14 tuổi. Mấy đứa trẻ vẫn ngồi thức bên ngọn đèn dầu, cạnh người mẹ ốm. Tôi dúi vào tay cô bé 700 đồng tiền ăn dưa còn lại hôm trước và bảo Sai cùng tụt nhanh hai ruột tượng gạo (mỗi cái 7 cân) của hai đứa tôi xuống. Tôi nói nhanh với cô bé: “Các chú cho gia đình cháu, thôi đừng nói gì cả”, rồi hai thằng tôi chạy nhanh ra chỗ tập hợp của đơn vị. Thấy Thanh Sai hơi thắc mắc, tôi bảo: “Nhà đó toàn con nít, má nó ốm. Đừng lo chuyện gạo. Nếu thành tử sĩ thì tao với mày có còn ăn được đâu. Còn nếu thắng, lấy gạo của địch, lo gì”. Tôi thường hay có quyết định đột xuất, quyết đoán và liều lĩnh như thế đấy. Chuyện được giấu kín.

Nhưng đêm đó vẫn chỉ là báo động giả. Cả tiểu đoàn hành quân đi ra ngoài thôn độ hơn cây số, dừng lại nghỉ một tiếng rồi lại quay về. Suốt ngày hôm sau (ngày 28-4), chúng tôi bận rộn tập trung cho trận đánh cuối cùng của trung đoàn. Đơn vị sẽ tham gia cùng các đơn vị bạn đánh căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn.

Tầm chín giờ tối thì đơn vị xuất phát. Du kích Củ Chi và trinh sát dẫn đường. Ra khỏi thôn một đoạn thì bắt đầu toàn là trảng trống. Đêm không trăng nhưng không gian như sáng ửng lên nhờ những vùng sáng đô thị và khu cư dân phía xa. Đường bằng, người sau bám người trước đi rất dễ. Cuối cùng chúng tôi cũng đến một cánh rừng cao su rộng lớn. Lại rồng rắn đi qua rừng. Chợt bừng lên một vùng không gian rộng mênh mông khi vừa qua rừng cao su. Căn cứ Đồng Dù hiện ra choáng ngợp ngay trước mắt, cách chúng tôi chỉ chừng bảy, tám trăm mét. Nhìn rõ ánh điện sáng dọc rào căn cứ như những cột đèn đường trong cái sân bay Bạch Mai ở Hà Nội ngày tôi còn ở nhà. Ngay thẳng hướng chúng tôi có một cái chòi gác cao đến 15 mét có mắc đèn pha rọi sáng cả một vùng không gian trước căn cứ. Nhìn rõ cả những lớp hàng rào bao quanh căn cứ. Cảm giác rất lạ trào dâng. Cứ như đi đánh trận giả ấy. Tưởng thằng địch ngồi trên chòi gác cũng thấy rõ chúng tôi, hóa ra không phải. Từ vùng sáng nhìn ra rừng cao su chắc cũng chỉ thấy lờ mờ. Chính vì thế toàn bộ Đại đội 5 và các đơn vị hỏa lực của tiểu đoàn, của trung đoàn lọt vào sát trong cả hai lớp hàng rào để đào công sự mà địch vẫn không biết.

Ngày 29-4-1975, quân ta đã tiến công và giải phóng hoàn toàn căn cứ Đồng Dù, mở thông con đường trên hướng Tây Bắc cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 tiến vào Sài Gòn.

Đêm hôm ấy, nằm trong góc sân của một khu gia binh trong căn cứ Đồng Dù vừa giải phóng, tôi nói chuyện với Thanh Sai: “Cậu thấy không, trận này ta thắng và chúng mình còn sống. Gạo của địch đầy trong kho, muốn lấy mấy cân chả được. Ngay lúc chiều anh nuôi hỏi muốn ăn bao nhiêu cơm để nấu mà có ai gật đâu. Toàn lắc vì uống sữa và ăn đồ hộp chiến lợi phẩm vừa lấy được đã quá no rồi. Bây giờ cậu yên tâm chưa?”.

Sai gật đầu và chúng tôi nhớ lại việc làm mới cách đây hai tối của mình. Hình ảnh về những người lính Bắc Việt chân thật và giàu tình người của chúng tôi chắc hẳn sẽ ấm mãi trong lòng cô bé Củ Chi 14 tuổi ấy và gia đình cô. Có lẽ cô cũng mong được gặp lại những người lính chúng tôi khi chiến tranh đã kết thúc. Nhưng chúng tôi không có dịp được quay trở lại nơi đó nữa vì vẫn phải cùng đơn vị đi mãi. Vẫn còn nhiều nhiệm vụ đang chờ chúng tôi phía trước.

Bây giờ mỗi khi bước vào tháng Tư, điều tôi nhớ về những ngày cuối cùng của chiến tranh không phải là những âm thanh của chiến trận mà luôn là hình ảnh về tình quân dân ngày ấy và việc đã làm xuất phát từ trái tim người lính cách mạng của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Trước thời khắc của ngày toàn thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.