(HNM) - Ph.Ăngghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Với những cống hiến to lớn cho nhân loại, Ph.Ăngghen đã ghi tên mình vào danh sách những vị thiên tài, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cộng sản và công nhân trên toàn thế giới...
1. Ph.Ăngghen sinh ra ở thành phố Barmen, Vương quốc Phổ (nước Đức ngày nay) trong một gia đình là chủ xưởng dệt. Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ông đã sớm bộc lộ tài năng và thiên hướng nghiên cứu lịch sử, chính trị, triết học thay vì trở thành thương nhân như gia đình mong muốn.
Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, Ph.Ăngghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân. Ông quan sát, cảm nhận trực tiếp nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đó là giai cấp công nhân.
Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, như V.I.Lênin đánh giá là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác”, mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân.
Với tinh thần cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăngghen nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa xã hội từ khi trở thành khoa học, đòi hỏi phải được đối xử như là một khoa học”. Đứng trên lập trường ấy, Ph.Ăngghen đã cùng C.Mác đấu tranh không mệt mỏi với khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công nhân, những âm mưu chia rẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cống hiến của Ph.Ăngghen đối với phong trào công nhân quốc tế được thể hiện sinh động thông qua 10 năm tồn tại của Quốc tế I và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế cho đến tận cuối đời.
Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn.
Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăngghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết Mác xít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Khi đánh giá công lao to lớn của Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, V.I.Lênin viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.
2. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăngghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen về phương thức phát triển “rút ngắn” cho thấy rõ, nước ta có điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về khách quan, trước hết đó chính là yếu tố thời đại. Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta diễn ra trong thời đại mà nội dung chủ yếu của nó vẫn là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Thực tế khách quan này vừa đặt ra thách thức không nhỏ, vừa tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
Những tư tưởng của Ph.Ăngghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện phát triển nền kinh tế.
Qua hơn 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trong quá trình này, chúng ta đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Ph.Ăngghen về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nói riêng, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rõ hơn, trên cơ sở đó Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước.
Có thể nói, phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen nói riêng là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học cho bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học; để tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.