Ngày 6-11-2023, quận Long Biên sẽ tròn 20 tuổi. 20 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Long Biên đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng lực đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm với Thủ đô, xây dựng quận phát triển toàn diện, đời sống nhân dân nâng cao, lớn mạnh về mọi mặt.
Long Biên thực sự đang ngày càng trở thành nơi đáng sống, một hình mẫu về xây dựng và phát triển đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại.
Thay đổi cả lượng và chất
Ngày 6-11-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Long Biên thuộc thành phố Hà Nội với diện tích 6.038,24ha, gồm 14 đơn vị hành chính và dân số là 170.706 người. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của quận cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, có vị trí chiến lược nối liền với trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là trục kinh tế sôi động với những yếu tố cơ bản thuận lợi.
Tận dụng lợi thế vị trí, tiềm năng cùng những bước đi khoa học, bài bản trên cơ sở tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, quận Long Biên đã phát triển kinh tế ngày càng lớn mạnh, thay đổi cả về lượng và chất. Khi mới thành lập, cơ cấu kinh tế của quận là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Quận chủ trương phải chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế ưu tiên gia tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, ít ô nhiễm môi trường và phát triển nông nghiệp sạch, giá trị cao.
Những năm qua, cơ cấu kinh tế của quận đã có bước chuyển mạnh. Trong đó, thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế với sự hình thành của các trung tâm thương mại lớn. Tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách có tốc độ tăng bình quân hằng năm đều là hai con số, bảo đảm cả hai yêu cầu vừa nhanh, vừa bền vững.
Nền kinh tế của quận còn cho thấy sức bền, có khả năng chống chịu tốt trong những hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 và tình hình thế giới biến động phức tạp, nhưng kinh tế quận tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trung bình từ năm 2020 đến nay đạt 12,09%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh chóng, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 27% năm 2003, tăng lên 43,65% năm 2013 và hiện nay đạt 72,3%.
Đến nay, toàn quận có 10.152 doanh nghiệp và hơn 11.000 hộ kinh doanh cá thể. Riêng số doanh nghiệp hiện đã tăng gấp 15,7 lần so với khi quận mới thành lập.
Những thành tích nổi bật
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; Huân chương Lao động hạng Nhất (vượt cấp) năm 2013; Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) năm 2018; Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ ba) năm 2023; 7 Cờ thi đua của Chính phủ; 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội.
Các phòng, ban, đơn vị thuộc quận: 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 9 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 25 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 114 lượt tập thể được nhận Cờ thi đua UBND thành phố Hà Nội...
Đảng bộ quận nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Khẳng định năng lực lãnh đạo, tiếp tục tiến lên
Khi mới thành lập, Đảng bộ quận Long Biên có 41 tổ chức cơ sở Đảng với 7.071 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ quận đã tăng lên 75 tổ chức cơ sở Đảng với 17.696 đảng viên (tăng 2,5 lần). Đảng bộ quận Long Biên đã trải qua 4 kỳ Đại hội; ở mỗi kỳ, đều xác định rõ hướng đi, đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá; qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự là nhiệm vụ then chốt, được chú trọng và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hằng năm đều đạt trên 76%, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.
Hoạt động của HĐND, UBND quận ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực đổi mới hoạt động, có nhiều sáng kiến, sáng tạo với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả...
Không chỉ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị, Long Biên còn là nơi có nhiều sáng kiến, sáng tạo, xây dựng những mô hình hay được thành phố và Trung ương nghiên cứu nhân rộng. Tiêu biểu như: Công tác đánh giá cán bộ hằng tháng; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành; sắp xếp tinh giản bộ máy; lấy ý kiến đánh giá việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức đối với người đứng đầu; trường học điện tử; bộ phận "một cửa" thân thiện gần dân; mô hình tiếp công dân và giải quyết đơn thư... Quận liên tục ở vị trí tốp đầu thành phố về cải cách hành chính.
Thành công trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp trách nhiệm, chuyên nghiệp thực sự đã tạo động lực, là cơ sở mang lại những tiến bộ, kết quả tích cực trên các lĩnh vực của quận Long Biên 20 năm qua. Cùng với sự phát triển ấn tượng về kinh tế như đã nêu trên, các nhiệm vụ quan trọng của quận đều có những thành tích ấn tượng.
Trong đó, Long Biên là đơn vị đầu tiên của thành phố được phân cấp về quy hoạch. Quận đã có quy hoạch đồng bộ tỷ lệ 1/2.000 về sử dụng đất và giao thông, quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật. Trên cơ sở quy hoạch, quận đã huy động các nguồn lực đầu tư mạnh về hạ tầng, đô thị; các dự án nối tiếp nhau hình thành, tạo dựng diện mạo khang trang, hiện đại...
Với phương châm hướng về cơ sở, lấy tổ dân phố là địa bàn hoạt động, quận Long Biên đã quan tâm đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa. Đến năm 2023, 13/14 phường đã có trung tâm văn hóa thể thao; 194 nhà văn hóa tổ dân phố được đầu tư đồng bộ trang thiết bị thiết yếu. Năm 2004, toàn quận có 49 trường công lập, trong đó chỉ có 1 trường chuẩn quốc gia. Đến tháng 6-2023, quận đã có 93 trường công lập, 40 trường ngoài công lập, 106 nhóm lớp mẫu giáo tư thục, 4 trường chất lượng cao công lập. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 83,9%.
Về y tế, quận đã hoàn thành và duy trì 14/14 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở và tiên tiến về y học cổ truyền. Quận thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chủ động chăm lo đời sống nhân dân, các đối tượng yếu thế...
Hàng năm, Quận đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 6.000 lượt người lao động. Đến tháng 9-2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,41% tương đương với số người tham gia là 272.620 người, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 82.965 người, chiếm 41,97% lực lượng lao động. Đến nay, toàn quận không còn hộ nghèo, chỉ còn 190 hộ cận nghèo...
Đặc biệt năm 2023, với chủ đề “Năm chỉnh trang đô thị, chăm lo đời sống người dân, kỷ niệm 20 năm thành lập quận”, cả hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở cùng với các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo đời sống người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ cận nghèo, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, lực lượng vũ trang quận đạt nhiều thành tích nổi bật; bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện diễn ra trên địa bàn...
20 năm qua là một chặng đường rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Long Biên. Những thành tựu mà quận đạt được là minh chứng sinh động cho khát vọng vươn lên, quyết tâm trở thành đô thị trung tâm phía Bắc của Thủ đô. Mốc son 20 năm thành lập với những kết quả ấn tượng là động lực, là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ và là tiền đề quan trọng để Long Biên tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới.
Ba bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 20 năm xây dựng và phát triển
- Phát huy tiềm năng, lợi thế của quận; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung.
- Luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.
- Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng công tác vận động quần chúng, hướng về cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.