(HNM) - Hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng phòng ngừa, ứng phó... là những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro thiên tai, thiệt hại về người và tài sản. Khắc phục tình trạng này, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã, đang đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân, chính quyền cấp cơ sở, qua đó giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Còn chủ quan, lơ là...
Đến nay đã qua gần 1 tháng nhưng bà Nguyễn Thị Hoàn, ở xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) vẫn chưa hết bàng hoàng khi gặp sét trong trận mưa dông xảy ra ngày 17-4. “Đang nhặt cỏ cho ruộng rau thì trời nổi cơn dông. Tôi chạy nhanh tới miếu làng, nơi có cây muỗm cổ thụ để trú mưa thì bất ngờ một tiếng sét nổ chói tai rồi cành cây to đổ xuống, văng sát người…”, bà Nguyễn Thị Hoàn kể lại.
Đề cập về việc này, nhiều người dân ở xã Bột Xuyên cho rằng, bà Nguyễn Thị Hoàn quá may mắn nên mới giữ được tính mạng. Tuy nhiên, khi được hỏi: “Gặp mưa dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh, ông, bà sẽ làm gì khi đang ở ngoài trời” thì nhiều người tỏ ra lúng túng và không biết các kỹ năng như nhanh chóng trở về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt, không nên dùng điện thoại, tuyệt đối không trú mưa dưới cây...
Trao đổi về vấn đề trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường thừa nhận, còn “khoảng trống” trong công tác phòng, chống thiên tai của địa phương, khi có xã chưa thực sự chú trọng tới công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó một số loại hình thời tiết nguy hiểm cho người dân...
Tương tự, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho rằng, không chỉ người dân thiếu kiến thức dẫn đến chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó mà ngay cả một số cán bộ cấp xã cũng chưa nhận dạng đầy đủ mối nguy hiểm của bão, lũ, dông, lốc, sét. Hạn chế này đã dẫn tới một số địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa chi tiết, sát diễn biến thực tế...
Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hạn chế nêu trên ở huyện Mỹ Đức, Ba Vì... cũng là thực trạng chung ở nhiều đơn vị, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Bên cạnh đó, một số cán bộ làm nhiệm vụ tham mưu phòng, chống thiên tai ở cấp huyện và xã chưa được đào tạo chuyên sâu, trong khi đảm nhiệm nhiều vị trí công việc...
Tăng cường truyền thông, tập huấn
Do biến đổi khí hậu, năm 2021, tình hình thiên tai khó đoán định, diễn biến cực đoan, khó lường. Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của thành phố Hà Nội diễn ra ngày 5-5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải thường xuyên xuống cơ sở để kịp thời phát hiện, chỉ đạo bổ sung, khắc phục những mặt còn khiếm khuyết, chưa sát thực tế...
Thực hiện chỉ đạo trên, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đang tập trung triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2021. Ngoài việc rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương nằm trong vùng thường xuyên xảy ra úng ngập, lũ lụt, sạt lở đất, như: Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... đã lập kế hoạch phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người dân; diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn...
“Kế hoạch của huyện Quốc Oai trong tháng 5 này sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho 10 xã, thị trấn trọng điểm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên huyện tạm dừng và giao Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng tránh các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra hằng ngày trên địa bàn...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết...
Theo Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Hoàng Minh Sơn, hiện xã đã ký chương trình phối hợp với Hạt Quản lý đê Ba Vì cung cấp tài liệu hướng dẫn người dân kỹ năng phát hiện sự cố, hộ đê, thực hiện những việc nên làm và không nên làm trước, trong và sau mỗi loại thiên tai...
Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 6-4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng cộng đồng cấp huyện, cấp xã an toàn trước thiên tai. Hiện Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.