Sáng 14/7, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 39 với nội dung đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về Kế hoạch triển khai việc Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Báo cáo đánh giá về Kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong thời gian cả nước đang tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015, đồng thời triển khai Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Sau hơn một tháng làm việc, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã dành nhiều tâm huyết trong việc đóng góp ý kiến, thảo luận, thông qua luật, nghị quyết, tiến hành giám sát và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước và đời sống nhân dân. Kết quả của kỳ họp tiếp tục góp phần thiết thực đưa Hiến pháp vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri cả nước, được nhân dân đánh giá cao.
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 16 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, trong đó có Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)...; cho ý kiến 10 dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN) |
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; kế hoạch đầu tư công năm 2016. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015...
Nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo đánh giá, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, cần khắc phục tình trạng các đoàn ĐBQH chậm tham gia cho ý kiến với các dự án luật được gửi xin ý kiến, thậm chí một số đoàn không báo cáo.
Đánh giá nhiều phiên thảo luận tại tổ và hội trường sôi nổi, có chất lượng, hiệu quả, tính phản biện cao, song Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, cũng có các phiên họp không sôi nổi, thậm chí, nhiều bài phát biểu trùng nhau nhưng vì ĐBQH đã đăng kí rồi nên không rút được.
Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề cập đến vệc một số phiên họp còn vắng nhiều đại biểu Quốc hội, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thảo luận, kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội. Do vậy cần tách riêng một điểm về ĐBQH trong báo cáo đánh giá bởi ĐBQH là nhân vật trung tâm của Kỳ họp.
Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, cần tăng tính tranh luận tại các kỳ họp của Quốc hội. Tuy vậy, theo ông việc chuẩn bị bài phát biểu trước hay phát biểu trực tiếp đều có những điểm mạnh. “Có những bài phát biểu chuẩn bị sẵn rất sâu nhưng cũng có bài phát biểu trực tiếp lại lỏng lẻo, chưa sâu” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý nói.
Với dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét nội dung chương trình rất nặng. Theo ông, với những luật quan trọng sẽ được xem xét thông qua thì nên vệc dành thời gian cả ngày thảo luận tại hội trường để đảm bảo chất lượng dự án luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến việc đổi mới hoạt động chất vấn. Đồng thời đề nghị, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, nội dung, tài liệu các dự án luật sẽ cho ý kiến tại kỳ họp; những dự luật không đảm bảo nội dung thì kiên quyết không trình Quốc hội.
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Kế hoạch triển khai việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Theo kế hoạch, việc tổng kết nhiệm kỳ nhằm đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém; nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ.
Việc tổng kết cũng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan khác giúp việc của Quốc hội; các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và triển khai các luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.