(HNM) - Trong dư luận xã hội và ngay tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề kỷ cương xã hội ở nước ta đã và đang được bàn đến như một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Bởi lẽ, kỷ cương xã hội đang có chiều hướng bị buông lỏng, ở mức độ nào đó đã ở mức báo động.
Kỷ cương xã hội là những thiết chế xã hội bao gồm hệ thống pháp luật, hệ thống quy ước xã hội nhằm vừa điều chỉnh vừa giám sát các hành vi của con người, của tổ chức và mọi hoạt động xã hội. Kỷ cương do con người tạo ra để từ đó bảo đảm có trật tự xã hội. Trật tự kỷ cương xã hội là những giá trị tinh thần có tính liên kết, tích hợp và tương tác để bảo đảm một quốc gia vận động không ngừng, bảo đảm cho nhân cách con người phát triển.
Trật tự kỷ cương xã hội là chất kết dính tạo nên sự hợp lực thống nhất. Trật tự kỷ cương xã hội có tính lịch sử và có tính đặc thù của mỗi quốc gia khác nhau nhưng luôn có mẫu số chung của loài người: tất cả vì sự tiến bộ của con người theo mục tiêu hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Không có một thứ trật tự xã hội dùng chung cho mọi quốc gia, nhưng cũng không có một quốc gia nào dung nạp những hành vi của bất cứ cá nhân, tổ chức nào chống lại trật tự kỷ cương chung. Trật tự kỷ cương xã hội tôn trọng tính hệ thống, tính cộng đồng nhưng cũng tôn trọng tính cá nhân. Tuy nhiên, khi cá nhân coi mình đứng trên lợi ích cộng đồng thì tức là họ đang tấn công vào trật tự kỷ cương xã hội. Trật tự xã hội bị báo động khi mà nhiều người, nhiều nhóm người dù là thừa hành công vụ (chấp pháp) hay công dân bình thường (chấp hành) vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà thực hiện hành vi lệch chuẩn, phi lý tính. Kỷ cương xã hội bị đe dọa tức là lợi ích số đông xã hội, lợi ích quốc gia bị đe dọa. Như vậy có thể nói, kỷ cương xã hội là rường cột của trật tự xã hội.
Trong kỷ cương xã hội có quy ước - gọi cách khác là quy ước ứng xử. Thông thường quy ước ứng xử luôn phải phù hợp với đạo lý - ở góc độ nào đó là tín ngưỡng. Do đó, đạo lý luôn được tôn trọng và là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống kỷ cương xã hội.
"Sức khỏe" của kỷ cương sẽ bảo đảm sự an toàn và thông suốt cho xã hội phát triển trên một nền tảng vững chắc, với nguyên tắc vừa hài hòa sự đa dạng vừa dung nạp sự khác biệt. Sự khác biệt không có nghĩa là dị biệt. Vì thế không thể để trật tự kỷ cương bị lái theo những dị biệt với ý đồ cá nhân, lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích quốc gia. Nếu người nào đó nói rằng nước ta chưa đủ hành lang pháp lý nên trật tự kỷ cương lỏng lẻo thì đó chỉ là một cách ngụy biện. Hệ thống pháp luật cũng như quy ước xã hội chúng ta không hề thiếu hụt. Vấn đề là con người (dù là công dân bình thường hay người chấp pháp) tôn trọng và tuân thủ kỷ cương như thế nào mà thôi. Không thể chấp nhận những người vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nhưng nhân danh số đông, mạo danh sự lợi ích số đông để tạo ra sự dị biệt nhằm phá vỡ những quy ước ứng xử, vi phạm pháp luật. Nếu ai cũng hiểu và làm theo cách riêng của mình gắn với lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm riêng lẻ, đi ngược với lợi ích quốc gia thì đất nước không có kỷ cương. Mà một đất nước không có kỷ cương tất sẽ loạn.
Về nguyên tắc là không thể chấp nhận những hiện tượng bất ổn, bởi nó đe dọa trật tự kỷ cương xã hội. Việc ngăn chặn những hiện tượng bất ổn đó được trao cho những cán bộ chấp pháp (công chức, quan chức, người thi hành công vụ - thực hiện chức năng quản lý nhà nước), nhưng nếu sự chấp pháp không nghiêm thì vai trò quản lý của Nhà nước đã bị giảm sút. Kỷ cương xã hội không được tôn trọng có lý do từ việc người chấp pháp và người dân không nghiêm túc thực hiện. Mặc dù vậy cũng không thể chỉ cho rằng lỗi hoàn toàn do người dân. Nếu như người chấp pháp làm hết trách nhiệm thì người dân có muốn vi phạm cũng không có cơ hội.
Chính vì người chấp pháp không nghiêm nên dù hệ thống pháp luật đầy đủ nhưng nhiều khi bị lãng quên hoặc được coi như không có. Ví dụ như người thừa hành công vụ nhận tiền để bỏ qua cho những vi phạm của người dân, tình trạng cán bộ chức năng phạt cho tồn tại những ngôi nhà xây không phép, sai phép, lấn chiếm đất công. Hoặc ngược lại, người dân vi phạm coi việc chi tiền cho cán bộ chấp pháp để được bỏ qua sai phạm là "chi phí cần thiết". Nếu ở trên bình diện rộng mà cả hai phía cùng "hợp tác" chặt chẽ sẽ tạo nên những viên đạn có sức xuyên thủng kỷ cương xã hội.
Nên nhớ rằng những người chấp pháp dù ở cấp nào đều được phép nhân danh Nhà nước bởi họ được Nhà nước ủy quyền và đương nhiên họ không thể nhân danh cá nhân. Giả sử những người chấp pháp tự coi quyền uy là của mình thì nguy cơ phá vỡ kỷ cương xã hội sẽ đến.
Bởi thế, nguyên tắc tối thượng là kỷ cương phải có tính thống nhất và ở khía cạnh nào đó là tính đồng nhất cao.
Kỷ cương xã hội cũng bao gồm các chuẩn mực xã hội mà mỗi cá nhân hay tổ chức phải tuân thủ với những giới hạn có thể hoặc không thể làm việc gì đó nhằm bảo đảm và bảo vệ sự ổn định xã hội khỏi những hành vi lệch chuẩn. Hành vi lệch chuẩn là hành vi của cá nhân hay tổ chức vi phạm các nguyên tắc, các quy định của chuẩn mực xã hội. Hành vi lệch chuẩn so với kỷ cương xã hội nếu là chủ động (có ý thức, có tính toán, có tổ chức) là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ thì tính chất vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, do đó hầu như không có tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, đối với từng hành vi vi phạm kỷ cương xã hội phải có cách xử lý khác nhau. Đối với hành vi vi phạm do vô tình, do bị lôi kéo mà không nhận thức được tính chất vi phạm và gây hậu quả không nghiêm trọng thì có thể giáo dục, vận động, xử lý hành chính để người đó có điều kiện điều chỉnh hành vi của họ. Nhưng đối với những hành vi cố ý, có tính toán, có tổ chức và gây hậu quả nghiêm trọng dù là về vật chất hay phi vật chất (ví dụ như hậu quả chính trị, mất trật tự an ninh xã hội) thì cần thiết phải cưỡng chế và trừng phạt. Có như thế mới bảo đảm hiệu lực của kỷ cương và mới điều chỉnh một cách mạnh mẽ các hành vi của cá nhân, tổ chức trong xã hội, từ đó bảo đảm sự ổn định quốc gia trong mọi lĩnh vực.
Sự thật và công khai sự thật là một trong những giá trị làm nên kỷ cương. Nếu không công khai, không có sự tuyên truyền thì người dân và ngay cả người chấp pháp sẽ thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về quy tắc xã hội, và sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện những hành vi lệch chuẩn. Sự công khai, minh bạch thể hiện mức độ dân chủ, bởi như thế toàn dân và các cơ quan nhà nước có điều kiện giám sát việc thực thi kỷ cương xã hội. Kỷ cương xã hội không được giám sát sẽ tạo sơ hở cho tình trạng tùy tiện. Mà sự tùy tiện là mầm mống của sự mất ổn định xã hội.
Ở đây cũng cần nói đến thói quen tư duy do ảnh hưởng của mặt trái "văn hóa làng xã". Chúng ta có thể nhìn thấy những thói quen tư duy này như: cái gì của làng ta, dòng họ ta cũng là nhất; đường làng ta ta cứ đi; nhóm của tôi vốn làm thế; tôn giáo của tôi mới đáng trọng... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn của không ít người. Họ khư khư giữ lại lối tư duy cũ, phiến diện mà không chấp nhận những quy tắc mới, quy tắc có tính lịch sử hiện đại và mang tính quốc gia, thậm chí mang tính quốc tế, để rồi họ đòi hỏi những điều vô lý, bất chấp lợi ích xã hội bị ảnh hưởng.
Con người không chỉ có một tư cách. Mỗi cá nhân luôn mang nhiều tư cách tùy theo thời điểm, vị trí thực hiện hành vi: tư cách thành viên trong gia đình nhỏ và gia đình lớn (dòng họ); tư cách công dân; tư cách thành viên của một tổ chức chính trị - xã hội (đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hiệp hội); tư cách thành viên của một cơ quan hay tổ chức kinh tế, văn hóa; tư cách thành viên của tổ chức chấp pháp... Về tổng thể con người luôn tồn tại hài hòa các tư cách khác nhau. Nhưng dù tách riêng ra thì với tư cách nào người đó cũng phải bị điều chỉnh bởi kỷ cương, trật tự xã hội, phải thực hiện bổn phận, trách nhiệm.
Về bản chất, kỷ cương xã hội là bắt buộc nhưng cũng mang tính đồng thuận cao. Tính đồng thuận cao thì hiệu lực của kỷ cương sẽ mạnh mẽ và sẽ huy động được các nguồn lực xã hội vốn phong phú, đa dạng để phát triển đất nước.
Đã đến lúc không thể để tình trạng vi phạm trật tự kỷ cương xã hội tiếp diễn. Đất nước chúng ta chỉ ổn định và phát triển mạnh mẽ khi kỷ cương xã hội được tôn trọng và tuân thủ ngay từ những việc nhỏ nhất. Sự lệch chuẩn về vai trò, bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi sẽ dẫn đến phá vỡ kỷ cương xã hội. Xây dựng và duy trì môi trường sống và làm việc theo kỷ cương là điều cấp thiết của mỗi cơ quan, đơn vị, cộng đồng xã hội và rộng hơn là của quốc gia. Bởi thế, sự giáo dục, vận động, tuyên truyền phải đi đôi với trừng phạt những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm trật tự kỷ cương xã hội!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.