(HNM) - Theo lệ thường, đường phố Hà Nội sáng chủ nhật bao giờ cũng đông đúc, xe cộ tấp nập hơn ngày thường vì công chức, viên chức, công nhân nhà máy, xí nghiệp nghỉ làm, học sinh được nghỉ học lại thêm người các tỉnh đổ về vui chơi, mua sắm hàng hóa...
Nhưng, sáng chủ nhật 19-8, các hiệu buôn đóng cửa, phố lác đác ô tô, xe đạp và tàu điện cũng không thấy leng keng. Sự im ắng báo hiệu điều lớn lao sắp nổ ra. Và đúng như vậy, khi mặt trời trải nắng lên phố thì các con đường vào nội đô tràn ngập cờ đỏ sao vàng.
Cách mạng Tháng Tám thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước tham gia. Ảnh tư liệu |
Trong các nhà máy ở nội đô và cả bên khu vực Gia Lâm, dưới sự hướng dẫn của đội viên công nhân cứu quốc, công nhân tập hợp thành hàng trước cổng nhà máy, phất cao cờ đỏ sao vàng biểu ngữ, trong tay mỗi người đều cầm vũ khí thô sơ hoặc công cụ lao động. Rồi họ đi theo đội tự vệ rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn, đoàn công nhân vừa đi vừa hô khẩu hiệu và hát "Tiến quân ca". Trên các con phố vào khu vực trung tâm, bà con ngoại thành từ trẻ đến già, từ trai đến gái hăng hái đi theo các đội viên tự vệ. Cánh đàn ông, người mang mã tấu, người vác câu liêm còn đàn bà con gái mang theo đòn gánh. Tin đầu tiên dội về Ủy ban cách mạng, tại khu vực Ngã Tư Sở bà con vùng Láng, Mọc trước khi vào nội đô đã cùng nhau xông vào chiếm tòa đại lý Hoàn Long (tương đương một huyện thuộc tỉnh Hà Đông) ở ấp Thái Hà tịch thu vũ khí của bảo an binh. Các con phố im lìm sáng sớm thì lúc này đã đông đúc, quần chúng xếp thành từng khối như phụ nữ, thanh niên, học sinh… và dưới sự dẫn dắt của đội viên thanh niên xung phong tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn.
Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy trước đó, sáng sớm 19-8, bà con nông dân ở huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Gia Lâm cũng nườm nượp kéo về nội đô trợ lực cho Hà Nội khởi nghĩa. Còn trong khu vực nội đô, bất ngờ có một chuyến xe điện từ chợ Mơ lên phố Paul Bert, tàu không chở khách như mọi khi mà chỉ chở đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu. Tàu dừng ở đầu phố, đội thanh niên Hoàng Diệu xếp thành hàng 3, có người vai mang súng trường, có người đeo súng ngắn lại có người đeo kiếm lủng lẳng, số còn lại cầm mã tấu đi theo đội viên cầm lá cờ đỏ sao vàng bằng sa tanh viền tua vàng có hàng chữ "Việt Nam hoàn toàn độc lập" thêu bằng kim tuyến.
Quảng trường Nhà hát Lớn đông đúc người và cờ, khẩu hiệu. Sau phút mặc niệm những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập dân tộc ông Lê Trọng Nghĩa bắn 3 phát súng báo hiệu lễ chào cờ bắt đầu. Ban nhạc cách mạng tấu bài "Tiến quân ca", qua loa phóng thanh, tiếng nhạc hùng tráng vang vọng một góc thành phố. Một lá cờ được kéo lên từ cột cờ dựng giữa quảng trường. Tiếp đó trên bao lơn nhà hát, hai lá cờ rộng buông xuống lễ đài. Truyền đơn với các nội dung ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính phủ bù nhìn, Việt Nam hoàn toàn độc lập được tung ra. Tiếng vỗ tay vang dội khi ông Nguyễn Huy Khôi đứng trước máy phóng thanh đọc lời hiệu triệu của Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội. Lời hiệu triệu có đoạn "Điều cần nhất lúc này là chúng ta phải lập ngay một Chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình…". Lời hiệu triệu kết thúc bằng những khẩu hiệu "Đánh đổ mọi lực lượng xâm phạm đến nền độc lập Việt Nam", "Việt Nam hoàn toàn độc lập", "Cách mạng giải phóng thành công muôn năm". Cuộc mít tinh kết thúc, theo kế hoạch đã định các đội viên tự vệ hướng dẫn quần chúng chuyển sang tuần hành thị uy và chiếm các cơ sở quan trọng trong thành phố. Quần chúng chia làm hai khối, khối thứ nhất do các ông Nguyễn Khang, Nguyễn Huy Khôi và một số người trong Ủy ban quân sự cách mạng chỉ huy có nhiệm vụ chiếm: Kho bạc (nay là trụ sở cơ quan Thành ủy), Tòa thị chính (nay là UBND thành phố), Phủ Khâm sai Bắc kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ), Bưu điện và Sở Cảnh sát Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm). Khối thứ hai do ông Nguyễn Quyết chỉ huy với đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu làm nòng cốt chiếm Ty Liêm phóng và Trại Bảo an binh (phố Hàng Bài, nay do Bộ Công an quản lý).
Khi quần chúng đến Phủ Khâm sai thì đại đội bảo an đóng cửa bố trí lực lượng bên trong hàng rào chĩa súng ra ngoài. Quần chúng hô khẩu hiệu thị uy kêu gọi bảo an binh quay súng về với Việt Minh. Trước sức mạnh của quần chúng, lính bảo an xin hàng hạ vũ khí và mở cổng, quần chúng nhanh chóng ùa vào hạ cờ "quỷ ly" treo cờ đỏ sao vàng. Việc chiếm các cơ quan khác nói chung thuận lợi nhưng khi chiếm Trại Bảo an thì rắc rối hơn. Dù hôm trước Ủy ban cách mạng đã gửi thư cho chỉ huy trại tên là Thụ, thuyết phục y quy thuận Việt Minh nhưng khi đoàn người đến, y cho đóng cửa trại, hai lính gác bên ngoài tuốt lưỡi lê. Ông Nguyễn Quyết lệnh cho thanh niên xung phong tước súng của hai tên này và ra lệnh phá cổng. Trước sức mạnh của cách mạng, Thụ đành phải cho người mở cổng và xin gặp chỉ huy Việt Minh nhằm hoãn binh, có ý chờ quân Nhật đến tiếp cứu. Đoán được ý đồ câu giờ của Thụ, đội viên thanh niên xung phong dẫn quần chúng chiếm kho vũ khí, một số khác thì tập hợp lính bảo an giải thích chính sách Việt Minh rồi thu vũ khí. Trong lúc đó quân Nhật đem lính và xe tăng đến bao vây trại vì chúng sợ sau khi chiếm trại quần chúng có vũ khí trong tay sẽ quay sang tấn công quân Nhật. Nhận được tin báo, Ủy ban cách mạng đã huy động thêm quần chúng kéo đến bao vây xe tăng và lính Nhật. Quần chúng thị uy bằng cách hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Ủy ban cách mạng phái ông Trần Đình Long dẫn đầu một đoàn đại biểu đến Bộ tổng Tham mưu Nhật đòi họ ra lệnh rút quân nhưng viên chỉ huy quân Nhật dùng dằng không chịu và cuộc đấu tranh này kéo đến khoảng 5 giờ chiều họ mới ra lệnh rút xe tăng và binh lính về đồn. Cuối cùng ta đã chiếm được Trại Bảo an binh. Sau đó Xứ ủy Bắc kỳ đã chỉ định ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, ông Nguyễn Huy Khôi làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời Hà Nội. Ngay sau khi tiếp quản Tòa thị chính, ông Nguyễn Huy Khôi đã cho công bố thông cáo cấp bách đầu tiên về an ninh trật tự, xóa bỏ những thứ thuế bất hợp lý...
Và cũng buổi chiều này một thử thách đầu tiên đối với chính quyền cách mạng là nước Sông Hồng lên cao uy hiếp tuyến đê hữu ngạn. Trước đó hai ngày rất nhiều quãng đê ở Sông Hồng, Đáy, Đà, Cà Lồ đã vỡ làm ngập lụt 6 tỉnh Bắc Bộ. Tại Hà Nội, nước Sông Hồng lên to nên bà con ngoài bãi đã phải dọn lên mặt đê và vào trong phố. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Huy Khôi lập tức huy động thanh niên xung phong đi hộ đê chống lụt từ Chèm kéo xuống bến Phà đen.
Tối 19-8 tại Bắc Bộ phủ, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đã họp dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Khang để chuẩn bị cho buổi ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ và Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội vào hôm sau. Cuộc họp cũng nhất trí cử cán bộ cấp tốc lên báo cáo tin thắng lợi và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng sớm về Hà Nội tiếp tục lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước. Trong trí nhớ của người cao tuổi, đêm hôm đó quanh Hồ Gươm đông đúc người ra đường mừng ngày độc lập đầu tiên. Đó là một ngày không thể nào quên đối với người Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.