Theo dõi Báo Hànộimới trên

Konstantin Simonov và thi phẩm bất tử

Thu Hằng| 09/05/2020 15:53

(HNMO) - Hôm nay, 9-5, nước Nga và nhân loại tiến bộ kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng phát xít. Đọc lại những vần thơ chan chứa tình yêu Tổ quốc và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của Konstantin Simonov, bỗng trào dâng bao cảm xúc mãnh liệt về quá khứ lịch sử hào hùng của nhân dân Xô Viết trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).

Một cuộc đời giàu trải nghiệm

Nhà thơ Konstantin Simonov (1915-1979) từng tốt nghiệp Trường Viết văn Maxim Gorky (khóa 1935-1938), sau đó tiếp tục học cao học tại Viện Nghiên cứu lịch sử, triết học và văn học Mátxcơva. Nhưng rồi Simonov phải tạm dừng việc học để trở thành phóng viên chiến trường tại mặt trận chống phát xít Nhật ở Khakhil-Gol (Mông Cổ) năm 1939.

Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra (tháng 6-1941), Simonov đang là phóng viên của Báo Sao đỏ, được điều ra mặt trận, vừa làm việc với tư cách phóng viên chiến trường, vừa chiến đấu với tư cách chủ nhiệm chính trị một tiểu đoàn Hồng quân. Ông đi suốt hành trình cuộc chiến 1941-1945, có mặt trong nhiều chiến dịch trên đất Liên Xô cũng như ở Rumani, Bulgaria, Nam Tư và cuối cùng là sào huyệt phát xít Đức ở Berlin. 

Sau năm 1945, Simonov là Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô trong hai giai đoạn 1946-1959 và 1967-1979.

Nổi tiếng với những tác phẩm viết về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại như: “Bạn chiến đấu” (1952), “Những người sống và những người chết” (1959), “Người ta sinh ra không phải đã là lính” (1963) và các tập thơ: "Có em và không em", "Chiến tranh", "Bạn và thù"..., tác phẩm của Simonov đến với bạn đọc Việt Nam ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với bài thơ “Đợi anh về” qua bản dịch của Tố Hữu.

Thi phẩm bất tử

Tháng 10-1941, khi quân Đức tiến như vũ bão về Mátxcơva, trước khi lên đường đi chiến đấu bảo vệ thủ đô đang bị quân thù điên cuồng vây hãm, Simonov dặn người yêu là nữ nghệ sĩ xinh đẹp Valentina Serova hãy vững tin vào ngày chiến thắng qua bài thơ “Đợi anh về”.

Bài thơ được đăng lần đầu tiên trên báo Pravda vào tháng 1-1942. Đây là giai đoạn thử thách, gay go quyết liệt đối với người dân Xô Viết, cũng là thời kỳ đòi hỏi sức mạnh đoàn kết toàn dân và niềm tin vững chắc vào chiến thắng ngày mai của dân tộc, nên có sức lay động lớn lao. Những vần thơ không hề bi lụy mà nhen lên ngọn lửa của niềm tin mãnh liệt. Câu thơ làm vợi đi nỗi đau, thắp lên niềm hy vọng, xua tan sự sợ hãi:

"Đợi anh, anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ"...

Khúc ca về tình yêu và lòng chung thủy lứa đôi này đã làm lay động trái tim của triệu triệu người lính ngoài mặt trận, được chuyền tay nhau dọc các chiến hào, theo chân các chiến sĩ Hồng quân trên khắp các dặm đường của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, rồi được gửi từ mặt trận về hậu phương.

Bài thơ được các nhà thơ chống phát xít dịch ra tiếng Pháp, sau đó dịch sang tiếng Anh, trở thành một trong những tác phẩm văn học Xô Viết được biết đến nhiều nhất ở phương Tây trong Thế chiến thứ hai.

Trong hồi ký “Nhớ lại một thời”, Tố Hữu cho biết, ông dịch bài thơ nói trên vào năm 1947 từ bản tiếng Pháp và ngay từ lúc ra đời, nó đã được truyền tụng, trở thành tài sản tinh thần của hàng triệu thanh niên Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Người ta từng tìm thấy trong đáy ba lô nhiều chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam đã hy sinh bản chép tay “Đợi anh về”.

Đến bây giờ, mặc dù đã có những bản dịch bài thơ này từ nguyên bản tiếng Nga với độ chính xác về ngữ nghĩa cao hơn, song có thể khẳng định, bản dịch của Tố Hữu vẫn được xem là bản dịch thành công nhất.

Cuối năm 1970, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn đầy khó khăn gian khổ, nhà thơ Simonov đã dành một tháng để sang thăm miền Bắc nước ta. Mặc dù sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn vào tận tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh.

Tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của người dân Việt Nam ở những địa bàn nóng bỏng, Simonov đã chứng kiến sức sống mãnh liệt của bài thơ “Đợi anh về” qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu. Quá xúc động, ông đã viết bài thơ “Gửi đồng chí Tố Hữu”. Nhà thơ mong ước, đến một ngày, khi những người phụ nữ trẻ không còn phải gánh chịu cảnh đợi chờ như thời trận mạc, khi:

"Những người trong chiến trận trở về
Ngày ấy đất cũng thanh bình trở lại
Thì thơ tôi sẽ chết đi với tiếng thở dài êm ái
Trong lời dịch tuyệt vời của anh".

Đó chỉ là cách nói, bởi “Đợi anh về” luôn có một vị trí xứng đáng trên văn đàn cũng như đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. "Chết" trong "tiếng thở dài êm ái" nghĩa là bài thơ bất tử, sống mãi trong ký ức chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Konstantin Simonov và thi phẩm bất tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.