Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kobe - Hồi sinh từ đổ nát

Tuấn Khải| 28/02/2018 06:22

(HNM) - Nhắc đến thành phố cảng Kobe của đất nước Mặt trời mọc, thường người ta nghĩ ngay đến hai thứ: Món thịt bò Kobe trứ danh nổi tiếng đắt đỏ; thảm họa động đất khủng khiếp xảy ra vào năm 1995 khiến hàng nghìn người thiệt mạng...

Cầu cảng, nơi người Nhật Bản dựng tấm biển “Be Kobe”.



Món thịt bò trứ danh

Thành phố cảng Kobe nằm trong tam giác kinh tế du lịch, văn hóa của vùng Kansai gồm Kyoto - Kobe - Osaka. Anh Đức, hướng dẫn viên du lịch gốc Việt đã định cư lâu năm tại Nhật Bản với tên gọi là Tokuda Kunio cho biết, Kobe là một trong mười thành phố đầu tiên của Nhật Bản có người nước ngoài đến định cư từ giữa thế kỷ XIX. Sau Thế chiến thứ hai, hầu hết những người nước ngoài trở về đất nước của họ. Quãng thời gian tuy không quá dài nhưng cũng kịp để lại cho vùng đất này nhiều công trình, trong đó có những công viên rất đẹp, đậm nét kiến trúc phương Tây, được Chính phủ Nhật Bản chọn làm di sản văn hóa quan trọng...

Lang thang trên những con phố dốc, ngắm những nhà thờ mái vòm, dạo bước qua những công viên ngập tràn sắc lá đang ngả sang màu vàng, màu đỏ... mãi cũng đến lúc mỏi chân đói bụng. Anh Đức gợi ý, đến Nhật Bản mà chưa thưởng thức món thịt bò, mà nhất định phải bò Kobe thì coi như... chưa đến Nhật Bản. Đang lúc đói, nghe đến thịt bò Kobe thì quả thực thấy ứa nước miếng... Lại nhớ cách đây chừng 7-8 năm, giới nhiều tiền ở Hà Nội rộ lên "phong trào" ăn phở bò Kobe. Lúc đó, cả Hà Nội nghe bảo cũng chỉ có một vài quán bán món đặc sản này. Trong đó, “xịn” nhất là phở bò Kobe được bán ở khách sạn Vườn Thủ đô trên đường Hoàng Ngọc Phách (quận Đống Đa)...

Ngay trong trung tâm Kobe thôi là khu phố Ikuta gần ga tàu điện Hankyu Kobe-sannomiya. Cả dãy nhà hàng bò Kobe trải dọc theo phố. Anh Đức dẫn chúng tôi đến một quán có tên “Steak Land” nằm trên tầng 6 của tòa nhà. Thực khách xếp hàng rất đông, cả người Á, người Âu, người Phi... Có nhiều kiểu chế biến món ăn với thịt bò khác nhau, nhưng nghe người dân bản xứ nói rằng ngon nhất vẫn là khi dùng làm món bít tết hay nướng ướp muối tiêu. Nhân viên lễ tân của quán này cho biết, thịt bò Kobe được chia thành nhiều hạng. Ngó qua giá thấy đắt và chênh lệch giữa các hạng khá lớn. Ví như 200 gram hạng thấp cấp nhất đã có giá 2.280 yên. Loại đặc biệt nhất giá 7.980 yên nhưng chỉ có 160 gram thịt... Với mức tỷ giá quy đổi mỗi 1.000 yên tương đương khoảng 208.000 đồng, nhẩm ra mỗi suất ăn gọi là “thoáng qua hàng bò” cũng mất đứt gần triệu đồng.

Mà đắt cũng là chuyện chẳng lạ bởi thịt bò Kobe đã trở thành một loại thực phẩm hảo hạng trứ danh của Nhật Bản. Những con bò Kobe "được ăn cỏ non, nghe nhạc giao hưởng", thậm chí được uống cả bia vào mùa nóng nhằm giúp chúng tiêu hóa thức ăn dễ hơn. Nguyên nhân khiến thịt bò Kobe đắt đỏ nhất thế giới còn là bởi chúng rất hiếm, do nguồn cung ít ỏi, chi phí chăm sóc cao.

Khi thực khách đã yên vị, anh đầu bếp bắt đầu “vào việc”. Đầu tiên là vệ sinh sạch sẽ mặt bàn inox. Sau đó đem ra một súc thịt bò tươi và một số loại rau, củ. Bàn tay thoăn thoắt rắc hạt tiêu và những loại gia vị đặc biệt. Khói từ mặt bàn inox có tiếp xúc với nguồn nhiệt quyện đều hai mặt súc thịt bò bốc lên nghi ngút càng kích thích vị giác, khứu giác của các thực khách... Bàn tay anh đầu bếp thoăn thoắt như múa. Một chi tiết cần lưu ý khi chế biến món thịt bò này là nướng không được quá lâu, nếu không chất béo trong các thớ thịt tan đi sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.

Như múa, đầu bếp cắt tảng thịt đã chín thành hàng chục miếng nhỏ đều chia cho từng thực khách. Chả cần phải cân đo mà từng miếng sau khi chia nhỏ đều chằn chặn. Bỏ miếng thịt bò thơm lừng, mềm mại đã được cắt nhỏ chấm kèm với loại xốt đặc biệt có chứa tiêu đen và mù tạt cho tan dần trong miệng thật là thú vị...

Niềm tự hào là công dân Kobe

Nhưng Kobe không chỉ có món thịt bò trứ danh, mà nơi đây còn được biết đến với những công trình mang đậm nét kiến trúc phương Tây làm mê đắm du khách. Cái tên Kobe luôn gợi cho mỗi người dân Nhật Bản cũng như những du khách đến với thành phố này ký ức về trận động đất Hanshin xảy ra năm 1995. Đất nước Nhật Bản từng phải hứng chịu nhiều thảm họa động đất, song trận động đất này kinh hoàng đến nỗi mà cho đến giờ, người ta vẫn quen gọi nó với cái tên “trận động đất Kobe”. Trận động đất có cường độ 7,2 độ richte đã khiến trong chốc lát, một trong những thành phố cảng lớn nhất Nhật Bản, chỉ còn là một đống đổ nát. Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người và hơn 25.000 người khác bị thương. Khoảng 300.000 người mất nhà cửa, hàng chục nghìn công trình xây dựng và đường sá bị phá hủy...

Thế nhưng, Kobe đã hồi sinh nhanh chóng. Chỉ sau 3 năm, cảng Kobe đã trở lại là một cảng biển sầm uất. Chiếc cầu treo Akashi Kaikyo với chiều dài gần 4km bắc qua eo biển giúp nối liền giao thông từ Honshu tới vùng Shikoku ở phía Nam được hoàn thành, từng giữ kỷ lục là cầu treo dài nhất thế giới. Cầu cảng Mariken trước kia là nơi tàu nước ngoài xuống hàng, giờ đã trở thành công viên Mariken và bến thuyền ở đó chỉ dành cho tàu thuyền du lịch. Tháp cảng tại công viên cao 108m là biểu tượng của cảng. Từ trên đỉnh tháp, du khách có thể quan sát quang cảnh đẹp mắt cả thành phố, xa hơn nữa là thành phố Osaka và đảo Shikoku...

Thế nhưng, hầu hết người dân Nhật Bản không bao giờ quên trận động đất kinh hoàng năm đó. Cùng với những công trình mới hiện đại và vững chắc, chính quyền thành phố vẫn cho giữ lại một hàng cột đèn nghiêng ngả, chứng tích của quá khứ; đặt một tấm bia ghi lại thông tin về trận động đất. Những người bạn Nhật Bản đã dẫn chúng tôi tới thăm Bảo tàng động đất Kobe. Một tình nguyện viên làm việc tại đây cho biết, bảo tàng được xây dựng và mở cửa đón khách từ đầu năm 2002 với mục đích giới thiệu, giáo dục cho mỗi người dân hiểu được những gì đã xảy ra, hậu quả của thảm họa động đất. Từ đó, tuyên truyền các biện pháp để người dân biết cách xử lý tình huống khi gặp động đất. Trong bảo tàng có những bức ảnh, thước phim và mô hình thu nhỏ tái hiện lại cảnh động đất, cảnh đổ nát, những gì còn sót lại... Mỗi du khách còn được phát quyển sách hướng dẫn về cách trang bị những dụng cụ, thiết bị cần thiết nào có thể sử dụng khi động đất xảy ra.

Và ngay bên cầu cảng, dòng chữ lớn “Be Kobe” đã được dựng lên, nơi trở thành điểm chụp ảnh nổi tiếng cho các du khách. Người Nhật Bản cho biết, dòng chữ đó có ý nghĩa: "Niềm tự hào khi là công dân Kobe".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kobe - Hồi sinh từ đổ nát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.